Liên kết website

Phụ nữ cần hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình và con cái

27/08/2019

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, pháp luật là sự thể hiện của lẽ công bằng trong đời sống xã hội. Là công cụ ghi nhận quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội, nhất là quyền sống của cá nhân, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do. Vì thế pháp luật chính là chỗ dựa để từng người dân xây dựng một cuộc sống lành mạnh văn minh. Đặc biệt với đối tượng là phụ nữ trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết. Hơn ai hết, chính chị em phụ nữ là người cần phải nâng cao tính tự chủ, quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đồng thời chị em cũng cần trau dồi thêm các kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, cũng như các kiến thức về pháp luật, để tự bảo vệ mình và con cái trong xu hướng xuất hiện nhiều các loại tội phạm liên quan đến các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em như: các vụ bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán phụ nữ và trẻ em…
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để đảm bảo các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt là hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người; hôn nhân và gia đình; trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ, trẻ em… ngày càng được hoàn thiện… Tuy nhiên, với trình độ nhận thức không đồng đều thì cách tiếp cận, thực thi các quy định của pháp luật của phụ nữ còn rất nhiều hạn chế.
Để góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình hiện nay. Hàng năm, Ngành Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành các Kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, đã phối hợp với các Ngành, Đoàn thể tham mưu tổ chức được khoảng hơn 800 hội nghị tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, hội nghị lồng ghép thông qua việc triển khai các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp (tỉnh, huyện, xã). Qua đó phổ biến pháp luật cho gần 50.000 lượt người, trong đó có đối tượng là phụ nữ. Với các nội dung tuyên truyền về: Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em, Luật Giao thông đường bộ...
Bên cạnh đó, Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2013-2017, và giai đoạn 2018-2022. Ngành Tư pháp đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ các cấp xây dựng Chương trình phối hợp, trong đó xác định nội dung, hình thức triển khai thực hiện cụ thể đến đối tượng là hội viên hội phụ nữ. Trong giai đoạn 2013-2017, cơ quan Tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức được 625 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 34.300 lượt cán bộ, hội viên hội phụ nữ các cấp. Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đã góp phần nâng cao Nhân thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân treein địa bàn tỉnh nói chung, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cán bộ, hội viên hội phụ nữ các cấp trong việc chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật, phát huy ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ hội viên phụ nữ và Nhân dân.
Đặc biệt, với 2.029 tổ hoà giải/12.406 hoà giải viên, trong đó có các hoà giải viên là nữ 4.271 người, chiếm 35%, tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt gần 90%, đã góp phần vào việc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, trong đó có các vụ việc liên quan đến tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân và gia đình…
Song song với việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Hàng năm, Ngành Tư pháp các cấp cũng đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện Ngày Pháp luật (9/11) để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. 
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Hiện nay, Ngày pháp luật đang ngày càng được tổ chức bài bản với nhiều mô hình sáng tạo ở các địa phương, các Ban, Ngành, Đoàn thể như: Mít tinh, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật...
 Việc tổ chức Ngày pháp luật là dịp để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện truyền thông pháp luật với cường độ cao đến các mọi tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, nhận thức, hiểu biết của người dân về pháp luật, trong đó có đối tượng là chị em phụ nữ được tăng cường.
Bên cạnh đó, một trong những hình thức có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đối tượng là phụ nữ là việc tổ chức xây dựng các mô hình Câu lạc bộ pháp luật như: CLB “Phụ nữ với pháp luật”, trong đó, Hội Phụ nữ đã phối hợp với cơ quan Tư pháp các cấp thành lập các CLB “Phụ nữ với pháp luật” tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Tuỳ theo nhu cầu và điều kiện thực tế, các CLB “Phụ nữ với pháp luật” xây dựng nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình địa phương để tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho hội viên các vấn đề về: Dân sự, hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chính sách đối với người có công, trẻ em... Với hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, nội dung sinh hoạt thiết thực, bổ ích gần gũi với thực tế cuộc sống, không khí sinh hoạt vui tươi, cởi mở... các thành viên trong CLB “Phụ nữ với pháp luật” cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế cuộc sống, từ đó chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Qua hoạt động CLB “Phụ nữ với pháp luật”, giúp các thành viên nâng cao hiểu biết pháp luật để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, thiên chức của người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các hội viên của CLB “Phụ nữ với pháp luật” là những nhân tố gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương. Là những tuyên truyền viên tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Từ đó, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ để có thể tự bảo vệ mình và con cái.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là phụ nữ, thì rất cần sự nỗ lực, tìm tòi, học hỏi từ chính bản thân mỗi người, để phụ nữ có thể “Nâng cao trình độ, nhận thức và ý thức về pháp luật để tự bảo vệ mình và con cái”./.
                                   Hoàng Thu Hường
Các tin đã đưa ngày: