Hội nghị đã nghe giới thiệu một số vấn đề về nghiệp vụ quản lý nhà nước trong công tác hòa giải ở cơ sở; nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; đặc biệt, chú trọng giải đáp, trao đổi về các vướng mắc trong công tác này. Nhiều vấn đề đã được các huyện, thị xã, thành phố Huế tổng hợp đề nghị Sở Tư pháp giải đáp tại Hội nghị, như: Thành lập Tổ hòa giải ở cơ sở đối với các vùng có địa bàn rộng; công tác thống kê, báo cáo về hòa giải ở cơ sở có thể xây dựng thành một nội dung trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không; công tác phối hợp giữa Tư pháp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; còn tình trạng hiểu đồng nhất giữa hòa giải ở cơ sở với hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng chưa được chú trọng... Trong đó, vấn đề được nhiều địa phương đặt ra nhất là về nguồn kinh phí của địa phương dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; chất lượng, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước thực tế đó, Sở Tư pháp đã giải đáp và lưu ý các địa phương về kinh phí và chất lượng hòa giải viên. Về bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, kinh phí cấp nào do cấp đó bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương không bố trí hoặc không có khả năng bố trí cho công tác này theo đúng quy định. Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở, Điều 12-18 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định mức chi đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, quy định cụ thể cơ chế tài chính bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có hướng dẫn về kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được kinh phí. Các địa phương bám sát các quy định tại các văn bản này để thực hiện. Ngoài ra, hàng năm, Sở Tư pháp đều có tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách xây dựng dự toán kinh phí về công tác hòa giải ở cơ sở. Tư pháp các địa phương căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi ngân sách của địa phương được giao; có giải pháp lồng ghép các hoạt động để sử dụng có hiệu quả nguồn lực.
Về nâng cao chất lượng hòa giải viên, trước mắt, Sở Tư pháp tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên; đồng thời có các giải pháp để hỗ trợ thêm về tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Mặt khác, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên, địa phương cần quan tâm rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên, thực hiện củng cố, kiện toàn thường xuyên. Về lâu dài, cơ quan Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có cơ chế, giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề này....
Với nội dung thiết thực, tập trung giải đáp, trao đổi về những vướng mắc thực tế trong công tác hòa giải ở cơ sở, Hội nghị đã góp phần tháo gỡ và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước cũng như nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.442 Tổ hòa giải với 7.346 hòa giải viên tại các thôn, bản, tổ dân phố; tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm đạt 79%-80%.
Nguyễn Thị Đào