Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lê Thu Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt, nhất quán và là nội dung trọng tâm của chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Khi tham gia các Hiệp định thương mại này, Việt Nam có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Chính vì vậy, đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao nhận thức và tầm hiểu biết về những rủi ro, thách thức và những cơ hội khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Một trong những vấn đề thách thức với hàng hóa xuất nhập khẩu củaViệt Nam đó là vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đây là nội dung mà các nước nhập khẩu thường dựa vào vào để đưa ra những rào cản kỹ thuật thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế nhập khẩu… Hội nghị tập huấn sẽ giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh, đúng đắn trên nhiều khía cạnh của quá trình hội nhập, đồng thờihiểu rõ hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Tiến sỹ Phạm Văn Chắt - Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tập huấn 4 chuyên đề, gồm: Khung pháp lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm và cam kết của Việt Nam đối với WTO và trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; Thực trạng thực thi các biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu lớn hàng nông sản Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN) hiện nay và trong tương lai - thách thức với Việt Nam; Cơ hội và thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Giải pháp của Chính phủ để đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Tiến sỹ Phạm Văn Chắt, nông sản Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên các thị trường quốc tế trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như: gạo, cà phê, tiêu, hạt điều, tôm, cá… Tuy nhiên, vấn nạn thực phẩm bẩn đang làm nguy hại đến sức khoẻ người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu và phát triển kinh tế. Do vậy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành nhiệm vụ cấp bách của nền kinh tế.Tiến sỹ Phạm Văn Chắt đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, như nâng cao nhận thức và hành động; đẩy mạnh tập huấn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Bộ Luật hình sự cho các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kêu gọi nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…
Quang Minh