Tại Hội nghị các đại biểu được nghe Báo cáo viên Trần Văn Năm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp triển khai một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giám định tư pháp được Quôc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 10/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, quy định về thời hạn giám định; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản và Ủy ban nhân dân trong việc phát triển, bảo đảm số lượng, chất lượng của người làm giám định, chỉ định đầu mối phân công, phối hợp trong công tác giám định, bảo đảm điều kiện cho hoạt động giám định được tiến hành hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.
Mở rộng phạm vi giám định tư pháp; bổ sung quy định việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp khi bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quy định cụ thể hơn về quyền từ chối giám định của giám định viên tư pháp; về công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;...
Việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao trong việc tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giám định tư pháp nhằm kịp thời triển khai, tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp đến các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn tỉnh những nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động giám định tư pháp; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật; đồng thời yêu cầu sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp…/.
Phan Đức Bộ