Đa số người DTTS có thói quen sống và làm việc duy tình, coi trọng phong tục, tập quán, trình độ dân trí không đồng đều, khả năng tiếp cận và mức độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ còn nhận thức chưa đầy đủ về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân, coi đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, trong khi đó nhiều đồng bào DTTS ít quan tâm đến việc tìm hiểu kiến thức pháp luật nên am hiểu về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, Phòng Tư pháp huyện Quan Sơn và các cơ quan có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn nỗ lực bám sát địa bàn, đổi mới phương pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS. Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, như: Thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, hội nghị, tư vấn pháp luật ở cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở... từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Quan Sơn đã tổ chức được 146 hội nghị với 17.073 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, toàn huyện có 94/94 thôn, bản có tổ hòa giải cơ sở, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần quan trọng làm giảm tranh chấp, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Năm 2019 và 10 tháng năm 2020, trên địa bàn đã hòa giải thành 109 số vụ tranh chấp trong dân cư. Qua đó, tăng tình đoàn kết trong cộng đồng và thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về pháp luật; coi trọng phong tục, tập quán. Thông qua việc xây dựng và thực hiện hương ước cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS. Bởi, ngay từ khi hương ước, quy ước ra đời, các thôn, bản đã hướng dẫn đồng bào DTTS thực hiện những quy định vừa bảo đảm giữ gìn thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của địa phương vừa phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa và UBND các xã tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí, đáp ứng nhu cầu trợ giúp, tư vấn về pháp luật của Nhân dân. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã tổ chức trợ giúp pháp lý cho Nhân dân 12 xã, thị trấn với hơn 840 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện trong việc tuyên truyền trợ giúp pháp lý trên hệ thống phát thanh huyện và các xã. Kết quả đã phát thanh được 46 lần.
Đồng chí Phạm Xuân Cường, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Quan Sơn, cho biết: Để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, trước khi về địa phương tư vấn pháp luật, các cán bộ tư pháp đều dành thời gian tìm hiểu nhu cầu kiến thức pháp luật của Nhân dân; từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng xã. Đối với những xã đặc biệt khó khăn, các khu dân cư hẻo lánh, có nhiều đồng bào DTTS, công tác tuyên truyền tập trung vào các chính sách dân tộc, dân số, kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Bình đẳng giới. Đối với những xã có dự án thu hồi đất, tập trung tuyên truyền những nội dung liên quan đến đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo. Với Nhân dân các xã, bản trong khu vực biên giới, phòng tư pháp phối hợp với các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện, như: Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Đồn Biên phòng Tam Thanh, Đồn Biên phòng Mường Mìn tập trung tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới, triển khai thực hiện Đề án bảo đảm an ninh biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Hiệp định về quy chế biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào; pháp luật về phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, Luật Biên giới quốc gia; kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... Quá trình phổ biến pháp luật cho Nhân dân, đồng bào DTTS có sự linh hoạt và lấy những dẫn chứng cụ thể để người dân dễ hiểu, dễ hình dung.
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, hiện nay nhận thức về pháp luật của đồng bào DTTS ở huyện Quan Sơn đã có sự thay đổi đáng kể. Ông Lữ Văn On, trưởng bản Hậu, xã Tam Lư, chia sẻ: Bản Hậu có 151 hộ dân với 670 nhân khẩu, có dân tộc Thái, Mường sinh sống, những năm trước đây, đời sống của các gia đình trong bản còn nhiều khó khăn, phải lo làm ăn, Nhân dân trong bản thường xuyên vào rừng săn bắt thú, chặt củi, đốt rừng... nên chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về pháp luật. Thế nhưng từ khi người dân được tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành chức năng tổ chức, người dân đã hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở Quan Sơn đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ của Nhân dân; ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất và những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận đồng bào DTTS, nhưng với sự tích cực, khéo léo và sử dụng linh hoạt nhiều biện pháp tuyên truyền, pháp luật sẽ dần đi vào đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Nguồn: baothanhhoa.vn