Vừa tiếp nhận vị trí lãnh đạo Sở Tư pháp sau một thời gian dài cơ quan khuyết người đứng đầu, ông có những định hướng gì nhằm góp phần đưa ngành Tư pháp Lâm Đồng phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Bản thân tôi với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, sẽ quyết tâm cùng tập thể lãnh đạo Sở Tư pháp chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong chỉ đạo công việc sẽ luôn bám sát Kế hoạch công tác của ngành, đề ra mục tiêu, yêu cầu và xác định các biện pháp thực hiện.
Cụ thể, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành hoạt động của Sở như: Phân cấp giữa lãnh đạo Sở và thủ trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở; phân công lĩnh vực công tác rõ ràng giữa các thành viên trong tập thể lãnh đạo, đồng thời phát huy tính chủ động trong điều hành công việc chung của Sở.
Song song với đó là chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả giải quyết công việc, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả cải cách hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, luật sư, trợ giúp pháp lý…. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền pháp luật hướng các hoạt động về cơ sở, đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tiếp cận pháp lý của doanh nghiệp và công dân.
Một trong những công tác quan trọng của ngành Tư pháp là xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Vậy để thực sự trở thành “cơ quan gác cổng” trong lĩnh vực pháp luật cho UBND tỉnh, Sở Tư pháp sẽ có những định hướng gì đối với công tác này thời gian tới, thưa ông?
Thời gian tới, Sở tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tổ chức thẩm định hiệu quả các đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp phù hợp với đạo luật gốc. Trong đó chú trọng tới tính dự báo chính sách, tính khả thi để các quy định thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ tốt việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở luôn quan tâm công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời đối với các văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật, các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần đảm bảo thực hiện tốt vai trò “gác cổng” trong lĩnh vực pháp luật cho UBND tỉnh.
Là tỉnh có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vậy Sở sẽ có những giải pháp gì để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với người dân?
Những năm qua, công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức và Nhân dân luôn được Sở quan tâm triển khai đồng bộ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: PBGDPL qua hệ thống truyền thanh cơ sở, hội nghị, hội thi; qua hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật… Riêng trong tháng 4 năm 2021, Sở đã tập trung tổ chức đợt cao điểm phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.
Thời gian tới, để công tác PBGDPL cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thực sự đạt chất lượng, hiệu quả, Sở Tư pháp đề ra những giải pháp cụ thể như: Tập trung triển khai công tác đi vào chiều sâu, thực chất, có trọng tâm trọng điểm, nhất là kịp thời phổ biến các văn bản pháp luật mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như hình ảnh trực quan, sinh động, pano, áp phích, các hội thi, cuộc thi, các phương tiện thông tin đại chúng….
Đặc biệt, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; gắn với việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021”; tổ chức đa dạng các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, gắn với các mô hình, giải pháp, cách làm mới, sáng tạo và phong trào “dân vận khéo”; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
Đối với công tác trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp ưu tiên triển khai một số giải pháp như: Thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông đảm bảo phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, với lứa tuổi, từng đối tượng đặc thù với tình hình thực tiễn của địa phương, lồng ghép hoạt động truyền thông pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận Trợ giúp pháp lý một cách thuận lợi.
Sở cũng sẽ tăng cường sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, với chính quyền địa phương, trao đổi thông tin, yêu cầu sự phối hợp của mạng lưới người thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở, hướng dẫn, tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tham gia tố tụng cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhằm nâng cao chất lượng để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu được tiếp cận pháp luật của người dân.
Để phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác Tư pháp, Sở đề ra những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Cá nhân tôi cũng như tập thể lãnh đạo Sở và tất cả cán bộ đều xác định ở đâu đoàn kết tốt thì ở đó có sức mạnh, nên tập thể Đảng ủy và Ban giám đốc Sở phải là trung tâm đoàn kết, là tấm gương cho cho công chức, viên chức làm theo. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi tập trung lãnh đạo triển khai có chất lượng, hiệu quả chương trình công tác đề ra và các nhiệm vụ do Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm kịp thời xác định các giải pháp thực hiện.
Nội dung trọng tâm nữa đó là Sở sẽ thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức thông qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực.
Đồng thời chú trọng theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức để lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, giữ vững đoàn kết thống nhất trong cơ quan, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nhất trí. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan, đảm bảo chất lượng hoạt động của cơ quan, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh tiếp tục là nội dung ngành Tư pháp Lâm Đồng chú trọng triển khai.
Trân trọng cám ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam