Đến nay, Hà Giang đã trải qua hơn 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn 2019 - 2021” của UBND tỉnh. Ngay từ giai đoạn đầu đề án được triển khai, công tác ứng dụng CNTT vào PBGDPL đã được các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm.
Tận dụng tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng phổ biến, không chỉ ở khu vực thành thị mà ngay cả ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa; nhiều địa phương, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang đã sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube để tuyên truyền PBGDPL.
Thời gian qua, trên website, fanpage của các đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Hà Giang; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tỉnh đoàn; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh... đã tuyên truyền sâu đậm các tin, bài, ảnh về bầu cử, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, giới thiệu văn bản pháp luật mới đến người dân một cách nhanh chóng, đa dạng, kịp thời và chính xác.
Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại Hà Giang ảnh 1
Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL. Ảnh: Nguyễn Ngân
Cùng với đó, rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng đã chỉ đạo triển khai PBGDPL qua mạng xã hội, thông qua hình thức tạo các trang thông tin về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, có sự tư vấn, phối hợp của các phòng, ban chuyên môn như: Phòng Tư pháp, Công an huyện, thu hút đông đảo người truy cập. Đồng thời, tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương, như Đài truyền thanh, truyền hình huyện cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng.
Nhờ ứng dụng CNTT, việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các trang thông tin điện tử, đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã và đang phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân trong quá trình tiếp cận thông tin pháp luật.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có 168/193 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân. Tại các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL đã giúp mở rộng đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật mới. Không những vậy, còn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, đội ngũ tuyên truyền viên tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú, đa dạng hơn. Từ đó, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và chất lượng các buổi tuyên truyền, phổ biến tại các xã, thị trấn.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang cho biết, hiện Sở đã liên hệ, tiếp nhận, tích hợp, vận hành cấu trúc tài khoản Trang thông tin điện tử PBGDPL do Bộ Tư pháp cung cấp trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL trong toàn tỉnh; tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên, truyên truyền viên pháp luật kỹ năng sử dụng và khai thác Trang thông tin điện tử PBGDPL để phục vụ cán bộ, nhân dân.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL ở một số ngành, đơn vị còn chậm, chưa được đồng bộ, còn dàn trải. Vì vậy, để tận dụng được thành tựu của CNTT trong kết nối, khai thác, chia sẻ thông tin tuyên truyền PBGDPL cần sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, sự nỗ lực, sáng tạo của những người làm công tác phổ biến pháp luật và cần coi đây là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PBGDPL.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử