Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động các cấp công đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai kế hoạch tới 100% công đoàn cơ sở để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến đoàn viên, CNVCLĐ.
Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô nói chung, đặc biệt CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn Thành phố, hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà nội giao các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức 130 lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; trên 400 Hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại các doanh nghiệp và có gần 250.000 người lao động được tuyên truyền trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện, khai thác, quản lý hiệu quả 339 Tủ sách pháp luật tại 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, 50 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp. Hằng năm, bổ sung trên 50.000 tài liệu tuyên truyền, tờ gấp các loại, tuyên truyền tư vấn pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội...cho các tủ sách pháp luật.
Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội và tổ Tư vấn pháp luật của Công đoàn các cấp hoạt động có hiệu quả, thiết thực, tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật lưu động; đã tổ chức 197 cuộc tư vấn trực tiếp cho 34.050 lượt đoàn viên, CNLĐ về các chế độ, chính sách; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, CNVCLĐ.
Các hình thức, mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Liên đoàn triển khai có hiệu quả có thể kể đến như tuyên truyền cổ động trực quan; Cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật công nhân; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa nội bộ, bảng tin các doanh nghiệp; truyền thông trên mạng xã hội; các hội nghị chuyên đề, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng....Đồng thời, với phương châm hướng về cơ sở, phục vụ CNLĐ, các buổi tuyên truyền giáo dục được thuận tiện tiếp cận, phù hợp với tình hình đặc biệt sản xuất kinh doanh cơ sở như: tại phòng làm việc, tại các điểm sinh hoạt văn hóa, tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, tại nhà ăn, ngay tại các xưởng, đơn vị sản xuất...
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở” phát hành 1 kỳ/quý (năm 2021), 1 kỳ/tháng (năm 2022) và tiếp tục có sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Sản xuất và phát hành ấn phẩm “Bản tin sinh hoạt công đoàn cơ sở” số đầu tiên vào tháng 5/2021 với 10.770 cuốn được phát tới cho các đồng chí Ủy viên BCH, Ủy viên UBKT công đoàn Thành phố và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các công đoàn cơ sở trong toàn hệ thống Công đoàn Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc PBGDPL cho người lao động, người sử dụng lao động còn nhiều khó khăn như tuyên truyền một số nội dung có thời điểm chưa được kịp thời, đồng bộ, rộng khắp do việc xét duyệt kinh phí còn chậm. Cán bộ làm công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật còn chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tuyên truyền, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các doanh nghiệp nhỏ chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động tại đơn vị mình. Bên cạnh đó, người lao động tại các doanh nghiệp có phần nhiều là lao động phổ thông nên nhận thức con hạn chế.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019; Tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội, những quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến người lao động. Trong đó xác định đổi mới các hình thức tuyên truyền phù hợp hơn với tình hình thực tế, tăng cường ứng dụng thông tin, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, sinh động, hấp dẫn hơn. Đồng thời nghiên cứu để tổ chức các cuộc thi liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động.
Nguồn:Báo điện tử Pháp luật Việt Nam