Ngày 22/8/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2537/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang. Ban Chỉ đạo gồm 16 đồng chí và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 08 đồng chí. Ban Chỉ đạo giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai phổ biến, quán triệt trực tiếp nội dung Đề án, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoặc lồng ghép phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị.
Để tránh tình trạng thành lập nhiều Ban Chỉ đạo với chức năng, nhiệm vụ, nhân lực chồng chéo nhau và bất cập trong hoạt động điều hành, ngày 24/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL (Hội đồng phối hợp) tỉnh An Giang. Theo đó, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo pháp luật, Hội đồng còn có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có Hội đồng phối hợp cấp tỉnh với 38 thành viên và 11 Hội đồng phối hợp cấp huyện thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố với 303 thành viên. Ngoài ra, để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị trong lực lượng vũ trang, các cơ quan như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đều thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL nhằm thực hiện công tác PBGDPL chuyên sâu trong nội bộ ngành.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch PBGDPL trên địa bàn tỉnh, giao Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các Đề án.
Cụ thể, từ ngày 01/6/2017 đến ngày 01/6/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 53 văn bản (gồm 08 Quyết định, 45 Kế hoạch); Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành 22 Kế hoạch; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh An Giang ban hành 01 Hướng dẫn nhằm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chương trình PBGDPL cũng như các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh.
Buổi tọa đàm về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Chính nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chủ động của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện nên trong thời gian qua các Đề án được triển khai tích cực, tương đối đồng bộ và đạt những kết quả nổi bật như sau:
Một là, nguồn nhân lực được quan tâm củng cố, kiện toàn kịp thời để thực hiện công tác PBGDPL. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 205 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 183 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.919 tuyên truyền viên pháp luật. Chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ngày một tăng cao. Đa số báo cáo viên pháp luật đều có trình độ, thâm niên công tác và am hiểu về pháp luật. Hằng năm, các báo cáo viên pháp luật đều được tham dự tập huấn và được triển khai các văn bản pháp luật mới do Sở Tư pháp chủ trì tổ chức. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 6/2021, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp cấp tỉnh tổ chức 16 Hội nghị tập huấn văn bản quy phạm pháp luật mới cho lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và tuyên truyền viên pháp luật trong hệ thống Công đoàn, cán bộ pháp chế thuộc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh với tổng số 2.425 lượt người tham dự.
Hai là, đa dạng các hình thức PBGDPL. Các hình thức PBGDPL được triển khai thực hiện phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Kết quả, từ ngày 01/6/2017 đến ngày 01/6/2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 53.195 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho 2.488.026 lượt người; tổ chức 416 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 227.022 lượt người dự thi; cấp phát 7.556.040 tài liệu các loại; thực hiện phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã được 92.503 lượt; đăng tải, phát 31.248 tin, bài về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, một số cơ quan có số lượt tuyên truyền dày và rộng khắp các đối tượng từ các cấp cơ sở đến cấp tỉnh (nổi bật có các cơ quan như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 14.036 cuộc cho 427.840 lượt người; Tỉnh đoàn tổ chức 150 cuộc cho 3.580 lượt đối tượng là thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp, thanh niên tại các địa bàn dân tộc, tôn giáo; Công an tỉnh tổ chức 1.965 cuộc cho 169.693 lượt người; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 107 cuộc cho 16.027 lượt người…).
Riêng Sở Tư pháp đã tổ chức 22 cuộc cho 1.964 lượt người là đoàn viên, thanh niên; đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng đặc thù…Phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Hội thi thanh niên với các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, tổ chức phiên tòa giả định…với tổng số 1.935 lượt người tham dự.
Ngoài ra, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tổ chức Tọa đàm về những nội dung có tính thời sự, tính cấp thiết, tính điểm nóng, cụ thể như: Tọa đàm về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tọa đàm về hụi…
Ba là, các Đề án theo Chương trình PBGDPL được các cơ quan, ban ngành chủ trì triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Hầu hết các cơ quan, tổ chức được giao chủ trì thực hiện Đề án đều có những hoạt động tích cực về các Đề án được phân công. Chẳng hạn, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2012 - 2016” đến năm 2021, bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp tổng số 17.094 lượt với 700.991 lượt người tham dự; tổ chức biên soạn, cấp phát 36.596 tài liệu tuyên truyền các loại; nổi bật là các hình thức PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của cơ quan và qua các Cuộc thi, Hội thi tìm hiểu pháp luật.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã tổ chức in ấn, mua và nhân bản 36.596 tài liệu tuyên truyền các loại, gồm: 12.000 cuốn Bản tin Tư pháp An Giang; 2.308 cuốn sách Luật; 05 tập bài giảng nghiệp vụ PBGDPL và hòa giải ở cơ sở; 10 quyển sách tham khảo về Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 14.000 tờ gấp; 8.273 cuốn sổ tay pháp luật và nhiều tài liệu khác.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh được giao chủ trì thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021” cũng có nhiều hoạt động nổi bật như: Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tăng cường phản ánh, đưa các tin, bài tuyên truyền các văn bản pháp luật trên chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” hàng tháng, đã phát được hơn 184 tin, bài phóng sự; viết hàng trăm tin, bài tuyên truyền trên báo, đài trung ương và địa phương; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Liên hoan “Tiếng hát từ biên giới” lần thứ Ba (2018), lần thứ Tư (2020) tại thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu, thu hút đông đảo Nhân dân dự xem. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh tổ chức 26 buổi tọa đàm với 1.745 lượt người tham gia.
Để triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017-2021”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 1.306 cuộc PBGDPL trực tiếp với 61.214 lượt người tham dự; cấp phát 14.000 tờ áp phích tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, treo 600 biểu ngữ và 20.000 hình ảnh về an toàn, vệ sinh lao động trên các trục lộ chính, khu vực đông dân cư, khu vực chợ, siêu thị. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thực hiện 15 phóng sự chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động, thường xuyên thông tin, tuyên truyền các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động để đưa tin trong các bản tin thời sự; phối hợp Báo An Giang đăng tin 15 bài viết tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức 10 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 20.983 lượt người tham dự.
Ngoài ra, Hội Luật gia được giao chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021; Công an tỉnh chủ trì thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang châp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” cũng có nhiều hoạt động tích cực về triển khai thực hiện Đề án được phân công.
Bốn là, có nhiều mô hình nổi bật trong công tác PBGDPL. Cụ thể như: Mô hình “Tổ tư vấn pháp luật” của các Đồn Biên phòng, có 18/18 xã, phường, thị trấn biên giới đều có câu lạc bộ tư vấn pháp luật, mỗi Đồn biên phòng có 01 tổ tư vấn pháp luật quân nhân, từ 5 - 10 đồng chí, đã có hơn 14.210 lượt người dân được tư vấn pháp luật.
Bên cạnh đó, một số mô hình do các tổ chức đoàn thể tỉnh xây dựng được triển khai có hiệu quả như: Mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” năm 2019 tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn; Mô hình “Trung tâm pháp luật cộng đồng” được thành lập tại xã Tây Phú và xã An Bình, huyện Thoại Sơn. Bước đầu hoạt động đã thu hút được sự quan tâm của chính quyền và Nhân dân ở cơ sở, đưa công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến với người dân nhanh chóng và thiết thực hơn.
Trên địa bàn cấp huyện, một số mô hình PBGDPL được vận dụng mang lại hiệu quả như: Mô hình “Tự quản về An toàn giao thông”; Mô hình “Tiếng loa 20 giờ”… nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Sở Tư pháp An giang tổ chức Hội nghị tập huấn văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức trực tuyến
Ngoài ra, điểm nổi bật nhất trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 là việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong PBGDPL (hệ thống quản lý và điều hành VNPT-iOffice; email), tăng cường các hình thức PBGDPL trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tin nhắn điện thoại; tờ gấp pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tra cứu, tham khảo, tìm hiểu pháp luật. Cụ thể, từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2021, Sở Tư pháp phối hợp với VNPT An Giang thực hiện gửi 541.406 tin nhắn điện thoại cho 490.091 thuê bao điện thoại thuộc các mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel.
Tăng cường phối hợp với Báo An Giang; Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; VNPT An Giang để đảm bảo công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với đông đảo người dân. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng hoàn chỉnh “Trang thông tin về PBGDPL” đặt trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, góp phần từng bước đảm bảo thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”, đồng thời góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin pháp luật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, học tập pháp luật, nâng cáo kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động PBGDPL đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức mới và kịp thời với thực tế như: Tổ chức Hội nghị bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Google Meet, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến…
Nhìn chung, các hoạt động PBGDPL trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành pháp luật và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cho thấy việc tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả việc thực hiện các Đề án về PBGDPL trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và công tác PBGDPL ngày càng có trọng tâm, trọng điểm.
Cao Thanh Sơn
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang