Để triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình và các kế hoạch hằng năm, qua đó đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình PBGDPL; chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai đề án được giao chủ trì, làm cơ sở để triển khai công tác PBGDPL đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trong 05 năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như sau:
Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong công tác PBGDPL
Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nên việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai nhiệm vụ PBGDPL, đưa công tác PBGDPL trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên luôn được UBND tỉnh chú trọng và phát huy hiệu quả, nhất là phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với sự tham gia đầy đủ, có trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể ở tỉnh, được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc lĩnh vực, ngành quản lý; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên pháp luật chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia hoạt động về tận cơ sở, nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật gắn với thực tiễn áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương đối với công tác PBGDPL được nâng cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật có những chuyển biến tích cực, ngày càng chặt chẽ, nhất là trong việc trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền...
Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL
Xác định nguồn nhân lực PBGDPL là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vì vậy việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL luôn được chú trọng thực hiện. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên kiện toàn bảo đảm thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL; Hội đồng tỉnh cũng đã thành lập Ban Thư ký giúp việc của Hội đồng và ban hành Quy chế hoạt động; Thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 41 thành viên; trong đó, Chủ tịch Hội đồng tỉnh là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tỉnh là Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Ủy viên Hội đồng tỉnh là đại diện lãnh đạo của hầu hết các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh.
Nhắc đến nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL không thể không đề cập đến báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống thông qua hình thức tuyên truyền miệng. Vì vậy, bên cạnh chỉ đạo thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cần phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 239 báo cáo viên pháp luật tỉnh hoạt động tại 34 cơ quan, đơn vị; 195 báo cáo viên pháp luật cấp huyện tại 13 huyện, thị xã, thành phố và 1.515 tuyên truyền viên pháp luật tại 173 xã, phường, thị trấn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ngày càng được củng cố về số lượng, đảm bảo chất lượng, phát huy vai trò trách nhiệm. Báo cáo viên pháp luật tỉnh đã chấp hành nghiêm túc sự phân công của Hội đồng, nghiên cứu, tìm hiểu sâu để báo cáo trực tiếp các văn bản luật chuyên ngành tại các Hội nghị quán triệt, triển khai văn bản luật mới ban hành ở tỉnh và huyện, thị xã, thành phố theo yêu cầu của cơ quan, địa phương. Trung bình mỗi năm tổ chức hơn 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về tuyên truyền, PBGDPL.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL
Trong 05 năm qua, nội dung tuyên truyền, PBGDPL tập trung các văn bản pháp luật có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiệm vụ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và đời sống hằng ngày của người dân, liên quan đến vấn đề hội nhập quốc tế. Ngoài ra, còn thông tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết ban hành của các dự thảo luật quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội hoặc quy định những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, nhằm hướng đến sự đồng thuận, tự giác tuân thủ của người dân sau khi các dự thảo luật đó được thông qua. Nội dung pháp luật được lựa chọn tuyên truyền còn phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; tuyên truyền cho những người có trình độ nhất định như cán bộ, công chức, viên chức, trí thức... nội dung thường tập trung vào các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, những thực trạng, thực tiễn thực thi, vận dụng, áp dụng pháp luật và những điểm mới của các quy định pháp luật so với trước đây; đối với người dân thì tập trung nội dung tuyên truyền pháp luật về quyền và nghĩa vụ, những điều cấm, chế tài xử lý...; đối với thanh thiếu niên, học sinh thì lưu ý lựa chọn tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật liên quan, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi này, những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến, thường gặp cần răn đe, xử lý, với phương pháp “vừa tuyên truyền, vừa giáo dục”... điều cốt lõi là không được bỏ qua việc tuyên truyền, vận động “một cách uyển chuyển” những chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng đối với việc cần thiết phải có những quy định pháp luật được tuyên truyền bằng việc làm rõ, giải thích vì sao, thực tiễn chứng minh từ đâu mà có quy định này.
Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện khá đa dạng, phong phú, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và có sự đổi mới trong từng hình thức thực hiện cụ thể. Ví dụ như, việc tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản luật mới ban hành ở tỉnh và cấp huyện, đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trong việc phân công báo cáo viên pháp luật chuyên ngành quản lý tham gia triển khai các văn bản luật liên quan, đảm bảo tính thực tiễn và chuyên sâu; trong quá trình báo cáo, trình bày nội dung có sử dụng thiết bị trình chiếu hỗ trợ, vì thế nội dung trình bày trở nên dễ hiểu, dễ nắm bắt triển khai, phổ biến luật; các thiết bị trình chiếu cũng được sử dụng ở hầu hết các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tận cơ sở.
Điểm đột phá trong tuyên truyền pháp luật ở cơ sở là có sự phối hợp trước với địa phương tại nơi tổ chức để thu thập những tranh chấp, mâu thuẫn, những tình huống pháp luật đã và đang xảy ra tại địa bàn, từ đó làm tư liệu để báo cáo viên nghiên cứu kỹ và giải đáp, tư vấn tại buổi tuyên truyền, điều này đã thỏa mãn, đáp ứng yêu cầu của người nghe, thu hút sự quan tâm của người dân khi tiếp cận, tìm hiểu pháp luật. Những hình thức PBGDPL khác khá hiệu quả, có sức lan tỏa và nhận được sự thu hút đông đảo của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi viết, thi sân khấu, thi trực tuyến), phiên tòa giả định, đăng tải trên Trang thông tin điện tử; phát sóng thường kỳ trên hệ thống truyền thanh; các mô hình sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; sinh hoạt “Ngày Pháp luật” hằng tuần, hằng tháng; tuyên truyền, giải thích trong tiếp công dân, tiếp nhận hướng dẫn hồ sơ hành chính, giải quyết hồ sơ theo vụ việc, các buổi sinh hoạt của đoàn thể…
Triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL”, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo đẩy mạnh PBGDPL trên các Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành, khai thác Trang Thông tin điện tử PBGDPL có tích hợp với Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia (thành phần), tạo thuận lợi để đăng tải các tin, bài về PBGDPL, thông tin pháp luật; một số cơ quan, địa phương vận dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo...); các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở...
Bảo đảm các điều kiện triển khai công tác PBGDPL và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động PBGDPL
Để đảm bảo triển khai thực hiện, đạt được những mục tiêu đề ra của Chương trình PBGDPL, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán phân bổ kinh phí, trình cấp có thẩm quyền bố trí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về PBGDPL, trong đó có kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và cơ quan thường trực Hội đồng (Sở Tư pháp); kinh phí thực hiện các đề án về PBGDPL (trung bình khoảng hơn 1,3 tỷ đồng/năm). Đối với các sở, ban, ngành là thành viên Hội đồng tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện thì tùy điều kiện ngân sách thực tế địa phương đã bố trí cho công tác PBGDPL, thấp nhất là 100 triệu, cao nhất là 500 triệu đồng (kể cả kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật).
Việc huy động nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật, luật sư, luật gia, người làm công tác pháp luật tham gia PBGDPL cho Nhân dân được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên thông qua việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021”, do Hội Luật gia tỉnh chủ trì thực hiện. Nhìn chung, việc xã hội hóa công tác PBGDPL đã và đang thực hiện hiệu quả. Hiện nay, tại các xã, phường, thị trấn, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở tham gia hoạt động tuyên truyền PBGDPL hầu hết được huy động từ những người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và người am hiểu kiến thức về pháp luật. Các cơ quan, đơn vị tích cực chủ động xây dựng các Chương trình phối hợp giữa các cơ quan để triển khai các nhiệm vụ PBGDPL đem lại hiệu quả trong hoạt động phối hợp tuyên truyền, PBGDPL như: Sở Tư pháp xây dựng chương trình phối hợp ký kết với Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Hội Luật gia tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh về thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật giai đoạn 2018 - 2022.
Năm 2021, năm tổng kết thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi rất mong Bộ Tư pháp sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tính liên tục, thường xuyên trong hoạt động PBGDPL; đồng thời, chỉ đạo việc tiếp tục triển khai các đề án PBGDPL trong thời gian tới, nhất là đối với các đề án đã được tổ chức triển khai trong giai đoạn 2017 - 2021 hiệu quả, các mục tiêu của đề án cơ bản đạt được, song chưa toàn diện vì những yếu tố khách quan.
Thanh Ngọc
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi