Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” được thực hiện mở rộng thành viên đến công chức Tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn và hòa giải viên ở cơ sở. Sau khi nội dung thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật được cập nhật, công chức Tư pháp – hộ tịch chia sẻ đến Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại đơn vị mình, các Hòa giải viên, từ đó lan tỏa đến các Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản và người thân, gia đình, nhân dân tại địa bàn mình đang sinh sống, giúp nội dung pháp luật được truyển tải tới nhiều người. Qua thời gian thí điểm từ tháng 9 năm 2021 đến nay, hình thức PBGDPL qua Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” đã phổ biến được trên 70 nội dung hỏi đáp pháp luật, 04 chuyên mục Phổ biến, giáo dục pháp luật, 01 Chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” và trên 10 video clip có liên quan đến các lĩnh vực như: Phòng, chống dịch bệnh Covid-19; pháp luật về bình đẳng giới, hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…; đã chia sẻ trên 70 lượt cho 03 nhóm với hơn 200 thành viên (nhóm zalo huyện Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh và nhóm thành viên Ban Dân chủ pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh).
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hồng Ngự cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm nhóm Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” tại huyện Hồng Ngự đã được tất cả công chức Tư pháp – hộ tịch và Hòa giải viên đồng tình và cho rằng đây là cách làm mới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương hiện nay vì hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua Zalo này dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian, có thể thực hiện trong hoặc ngoài giờ làm việc hành chính; ít tốn kém nguồn nhân lực và cả kinh phí thực hiện so với việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, công chức Tư pháp – hộ tịch xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, thành viên của nhóm Zalo “Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp (Phổ biến, giáo dục pháp luật)” chia sẻ: “hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật này rất phù hợp với cơ sở vì nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Sau khi được thông tin, chúng tôi có thể chia sẻ cho gia đình, bạn bè, người thân biết, vừa tuyên truyền pháp luật vừa nhắc mọi người thực hiện đúng quy định. Thời gian tới, nên nhân rộng thêm cho các thành viên là Bí Thư Chi bộ, Trưởng khóm, ấp và Tuyên truyền viên của xã để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức này sẽ lan tỏa nhiều hơn”.
Ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá, đây là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới, mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục tình trạng tuyên truyền quá nhiều nội dung cùng một lúc, trích dẫn quá nhiều văn bản khiến người dân khó hiểu, khó nhớ. Trong năm 2022, Sở Tư pháp sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh và có giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn qua thời gian thí điểm tại đơn vị huyện Hồng Ngự và huyện Cao Lãnh.
Tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình và tâm huyết của Lãnh đạo Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – hộ tịch, Tuyên truyền viên, Hòa giải viên, mô hình này sẽ đưa pháp luật đến với mọi người, mọi nhà kịp thời và nhanh chóng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của người dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật