Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân; giữ gìn đoàn kết, giảm bớt khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đạt chuẩn bền vững; triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương, kế hoạch, định hướng của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành Trung ương trong công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Theo Kế hoạch, trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở, các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đã đề ra; rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL của tỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước; tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” và duy trì mô hình Ngày Pháp luật hàng tháng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở theo Kế hoạch số 1376/KH-UBND ngày 29/11/2013 của UBND tỉnh và Quyết định số 3729/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025”; tăng cường tổ chức PBGDPL cho đối tượng đặc thù; triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp liên ngành về công tác PBGDPL đã ký kết giữa các cơ quan, tổ chức; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh; PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về phòng chống tra tấn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại tố cáo, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; các văn bản có liên quan mật thiết đến đời sống của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn; chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, địa phương gắn công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, công tác chuẩn tiếp cận pháp luật với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; bám sát và triển khai thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, cơ quan thường trực Hội đồng, tổ chức pháp chế, đơn vị được giao nhiệm vụ PBGDPL; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm sự phối hợp, lồng ghép các hoạt động. Hình thức, nội dung triển khai phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả, hướng tập trung về cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Đoàn Hoà