Tham dự trực tuyến tại Hà Nội có đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Hà Quỳnh Anh, đại diện UNICEF tại Việt Nam; các chuyên gia, giảng viên gồm PGS.TS Nguyễn Thị Lan, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Vũ Hoài Phương, Giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tham dự trực tuyến tại Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang có đồng chí Trương Huy Huân, Giám đốc và đồng chí Nguyễn Duy Sụn, Phó Giám đốc tham dự.
Tại xã Mậu Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có bà Phạm Thị Việt, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp; ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng phòng Tư pháp huyện và ông Lục Xuân Hân, Chủ tịch UBND xã.
Phát biểu tại Lớp phổ biến pháp luật, ông Lục Xuân Hân, Chủ tịch UBND xã Mậu Long cho biết: “Mậu Long nằm trong vị trí địa lí cách trung tâm huyện Yên Minh 32 km về phia Đông, có tổng diện tích tự nhiên 7.072 ha, được chia thành 18 thôn bản. Toàn xã quy tụ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống với 1.274 hộ, tổng 7.163 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số. Theo kết quả thống kê rà soát cho thấy tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Mậu Long trong những năm qua đã có chiều hướng giảm, tại một số thôn tình trạng kết hôn cận huyết đã được xóa bỏ. Tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra tại một số thôn, trong năm 2020 số cặp tảo hôn trên đại bàn 3 cặp, năm 2021 có 7 cặp, đầu năm 2022 có 4 cặp. Từ năm 2020 đến đầu năm 2022 trên địa bàn xã không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.”
Và theo ông Nguyễn Quang Sáng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang: “Trong những năm qua các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Yên Minh đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Do đó, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn đã có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…). Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chưa nhận thức được đây là hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân và gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật hoặc do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu...”.
Đại biểu tham dự đã được ông Vàng Văn Quân, Bí thư Đoàn thanh niên xã và Bà Vàng Thị Sinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã trình bày các chuyên đề và các kiến thức góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Với phương pháp lấy người học làm trung tâm, các tuyên truyền viên đã dành nhiều thời gian trao đổi, tương tác cùng các học viên về phổ biến pháp luật và các kiến thức góp phần thúc đẩy giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Các đại biểu đánh giá cao về mô hình, cách thức và phương pháp tổ chức tập huấn, tham gia ý kiến rất sôi nổi, hào hứng, góp phần cung cấp, củng cố kiến thức pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân (tập trung đối tượng là ông bà, bố mẹ, con cái của gia đình trong độ tuổi thiếu niên); Bí thư, Trưởng thôn, bản; Mặt trận; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, học sinh… trên địa bàn xã. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện UNICEF và các chuyên gia đã trao đổi, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp giảng cho các tuyên truyền viên, đặc biệt là kỹ năng tương tác, thúc đẩy người tham dự tư duy, mạnh dạn trao đổi, bày tỏ ý kiến thông qua xử lý tình huống, đóng vai, đưa ra vấn đề hoặc câu hỏi thảo luận nhóm… Qua đó góp phần tăng hiệu quả của việc tổ chức hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật