Tại hội nghị, Tiến sỹ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) giới thiệu nội dung cơ bản, những điểm mới và việc tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTG ngày 22.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định 25).
Trong đó tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Quyết định 25; nguyên tắc thực hiện; tiêu chí, điều kiện công nhận; trình tự, thủ tục đánh giá; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Những băn khoăn của đại biểu tại các điểm cầu về tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; địa phương có cán bộ từng bị xử lý kỷ luật có được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hay không đã được các đại biểu giải đáp kịp thời.
Việc đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở để có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, nhằm bảo đảm điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về nội dung “Quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở và giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở thời gian tới”. Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu khái quát một số nội dung trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; kết quả, hạn chế trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua.
Với 7 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở thời gian tới, tăng cường nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về trách nhiệm đối với công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền với hình thức phù hợp về công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên; ứng cụng công nghệ thông tin vào công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh công tác dân vận và các mô hình dân vận khéo vào hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam