Người mang sứ mệnh hàn gắn hạnh phúc
Hình ảnh một cụ bà U90 với bộ bà ba và cái nón lá rặc Nam Bộ chạy trên chiếc xe đạp tuềnh toàng đi khắp các nẻo đường, khóm ấp của xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã không còn xa lạ với bà con nơi đây. Chiếc xe đạp và người phụ nữ cao niên ấy mang theo sứ mệnh “mang niềm vui, hòa thuận đến cho mọi người”. Không ai là không quen thuộc với hình ảnh gần gũi thân thương này của bà Nguyễn Kim Huê (84 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Nhiều người thân thương gọi bà là “Bà Tám”, hay “bà Tám hòa giải”, “bà Tám dân vận khéo”…
Biết ở đâu có mâu thuẫn, tranh chấp thì bà Tám lại có mặt và giải quyết êm xuôi, thuận thảo, hòa hảo tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng. Những câu nói, những lời khuyên thắm đượm nghĩa tình, trách nhiệm dễ vào lòng người đã giúp nhiều người thức tỉnh, tháo gỡ nút thắt trong lòng và hòa thuận với gia đình, làng xóm. Nhiều chuyện tưởng chừng khó khăn nhưng qua lời thuyết phục và hòa giải của bà Tám thì mọi chuyện đều trở nên đơn giản.
Bà Tám xuất thân là một giáo viên dạy tiểu học trước năm 1975. Từ khi đất nước thống nhất, bà Tám không tiếp tục đi theo con đường dạy học mà chuyển sang mua bán và tham gia các công tác xã hội, thiện nguyện ở địa phương. Bà bắt đầu với công việc làm Chi hội Phó Phụ nữ của ấp. Từ đó, những hoạt động xã hội, thiện nguyện, dân vận… gắn bó với cuộc đời bà cho đến ngày nay. Bà rất tâm huyết và đảm đương nhiều công việc: của chi hội phụ nữ, khuyến học, CLB phát triển bền vững, dân số, xóa đói giảm nghèo…Ở công việc nào bà cũng tận tâm làm tốt công việc của mình, giúp ích được cho bà con nhân dân trong xóm ấp. Có trường hợp nào khó khăn, thiếu thốn thì bà đều đến tận nơi hỏi cặn kẽ và giúp đỡ.
Làm công tác hòa giải được khoảng 20 năm nay và khi bắt đầu tham gia công việc này bà đã bước sang tuổi lục tuần. Đây là độ tuổi đáng lẽ bà được nghỉ hưu để tận hưởng tuổi già thì bà Tám lại chọn bắt đầu tham gia công tác hòa giải cơ sở. “Lúc đó chính quyền địa phương vận động tham gia và thấy công việc hòa giải là công việc ý nghĩa, giúp ích được bà con nên bà nhận lời. Bà rất ái mộ xã hội, thích làm, đam mê và muốn gần gũi, phục vụ, hỗ trợ giúp đỡ quần chúng nhân dân. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Mình vun vén, tạo sự hòa thuận, đằm ấm, vui vẻ cho bà con xóm ấp là mình vui rồi”, bà Tám bộc bạch.
Từ đó, bất kể nhận được thông tin, hay đơn thư về vấn đề mâu thuẫn trong làng xã, xóm ấp, bà Tám đều tận tâm tìm hiểu và tìm hướng giải quyết tốt nhất giúp giữ vững hạnh phúc gia đình, nghĩa tình lối xóm. “Hòa giải chỉ là công đoạn sau khi mâu thuẫn xảy ra. Trước đó, mình phải tuyên truyền để người dân hiểu biết và nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật để bà con có thể hiểu và tự bảo vệ mình. Bà Tám thường tuyên truyền trong các cuộc họp ở xã, ở khóm ấp mà bà tham dự. Trong cuộc họp hàng tháng của tổ phụ nữ, bà Tám thường tuyên truyền về luật giao thông, tác hại của việc vi phạm luật giao thông và hướng dẫn cách để chị em phụ nữ giải thích, thuyết phục và dạy con cái tránh xa những hệ lụy của tai nạn giao thông”, bà Tám nói.
Theo bà Tám, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, người phụ nữ ở nhà phải quán xuyến chăm lo việc dạy con để không xảy ra những chuyện đáng tiếc mới tạo được hạnh phúc gia đình. Hòa giải ở xã phần lớn là hòa giải những vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình. “Những vụ việc này tuy nhỏ nhưng lại tác động rất lớn. Mâu thuẫn trong gia đình thường xuất phát từ kinh tế gia đình. Vợ chồng làm ăn khó khăn rồi quạo quọ, cắn đắng, hằn hộc nhau rồi bất hòa đòi ly dị”.
Thấy được “nút thắt” lớn nhất của mâu thuẫn gia đình là do yếu tố kinh tế. Bà Tám đã “nhảy qua” kiêm nhiệm luôn công việc xóa đói giảm nghèo. “Vì kinh tế không có, làm ăn không được, không có tiền lo gia đình nên mâu thuẫn nên bà Tám giải quyết vấn đề căn cơ này trước. Hòa giải mâu thuẫn vợ chồng, bà Tám đều khuyên và bắt hai vợ chồng phải cam kết phải hòa thuận. Sau đó, bà Tám vận dụng các chính sách để hỗ trợ giúp vốn cho vợ chồng làm ăn và khuyên răn, chỉ làm ăn kinh tế để phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống vợ chồng được ổn định”.
Vị “luật sư” nhiệt huyết của lòng dân
Ở các xã nông thôn, việc mâu thuẫn gia đình tương tự như thế không hiếm nhưng không phải nơi nào cũng có cách xử lý và giải quyết ổn thỏa, đảm bảo đằm ấm trong gia đình và bình yên ở xóm ấp. Đến bây giờ chắc hẳn bà Tám cũng không còn nhớ bà đã giải quyết và giúp đỡ bao nhiêu trường hợp như vậy nhưng những ấn tượng và kỷ niệm với các vụ việc và hạnh phúc, niềm vui đem lại cho cộng đồng từ công việc ý nghĩa này là rất lớn.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tham gia hòa giải cơ sở, bà Tám kể: Kỷ niệm đáng nhớ và ấn tượng nhất và việc hòa giải cho một gia đình trẻ mâu thuẫn bất hòa muốn ly hôn nhưng vấn đề mâu thuẫn rất nhỏ nhặt. “Chuyện là người chồng đi mua bán gà vịt về trễ, vợ ở nhà trông hoài không được, chồng cũng không gọi điện thoại về cho hay khiến vợ lo lắng nên vợ đóng cửa không cho chồng vô nhà. Từ đó vợ chồng hiềm khích, cắn đắng nhau trong suốt thời gian dài. Gia đình hai bên cũng không biết chuyện. Sau này khi làm đơn ra tòa đòi ly dị gia đình mới biết và nhờ đến bà Tám. Lúc đó, bà Tám kêu 2 vợ chồng vô rồi cho hai bên phân trần. Bà Tám giải thích cả hai đều có lỗi. Chồng làm cực khổ, vợ ở nhà không cho chồng vô nhà là lỗi của vợ. Còn chồng đi mua bán về trễ mà không báo cho vợ biết là lỗi của chồng. Hai đứa nghe bà Tám nói, chuyện này nhỏ nhặt lắm. Vợ chồng phải thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Tụi con giận quá mất khôn lỡ ra tòa xử ly dị rồi con của các con sẽ như thế nào. Xong xuôi vợ chồng hòa thuận, thằng chồng lấy xe đưa bà Tám về. Từ đó về sau vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc lắm, đứa con bây giờ học tới lớp 10 rồi”.
Không đơn giản như thế, trong quá trình hòa giải, bà Tám còn gặp không ít cam go với “những anh chàng cố chấp, gia trưởng”. Những trường hợp này, bà Tám cũng khéo léo và nhún nhường để khuyên nhủ và cũng mang lại hiệu quả thiết thực. “Những”anh chàng” này không hiểu lý lẽ mình nói, cứ khư khư khẳng định không sai và đưa ra những các suy nghĩ rất cổ hủ, cố chấp. Những “anh chàng” này mà am hiểu được rồi công tác hòa giải rất vui”. Đối với tình huống này, bà Tám “trị” bằng cách nhẹ nhàng khuyên răn và phân tích nhỏ nhẹ rồi thành lập CLB Gia đình phát triển bền vững, mời mấy “anh chàng” này tham gia, khuyên và thuyết phục để họ chuyển biến từ từ, làm theo cách “mưa dầm thấm lâu” mới được”, bà Tám cười nói.
Bằng vốn sống, kinh nghiệm, tinh thần nhiệt huyết và một cái tâm vì cộng đồng, bà đã giúp bà con lối xóm tháo gỡ những “nút thắt” mâu thuẫn, để bà con giữ được tình làng, nghĩa xóm và xích lại gần nhau. 20 năm thực hiện sứ mệnh nhân văn này, bà Tám luôn được mọi người trân trọng, quý mến. Có chuyện xích mích, mâu thuẫn trong xóm, trong xã, người dân lại nhờ bà làm người gắn kết.
Những câu nói, những lời khuyên thắm đượm nghĩa tình, trách nhiệm dễ thuyết phục lòng người đã giúp cho nhiều người thức tỉnh, tháo gỡ nút thắt trong lòng và hòa thuận với gia đình, làng xóm. Nhiều chuyện tưởng chừng khó khăn nhưng qua lời thuyết phục và hòa giải của bà Tám thì mọi chuyện đều trở nên đơn giản.
Trong những năm qua, bà Tám đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp về các thành tích trong công tác hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, những đóng góp cống hiến của bà không gói gọn trong những bằng ghi nhận đó mà lan tỏa ra khắp xóm ấp, làng xã với những giá trị thiết thực, nhân văn. Vượt lên trên những danh hiệu, hình thức khen thưởng đó là “bằng khen của lòng dân”
Hòa giải viên cao tuổi nhất tỉnh Đồng Tháp
Đầu năm 2022, bà Tám xin nghỉ tham gia công tác hòa giải cơ sở do tuổi cao. Bà chia sẻ, “đầu óc mình không còn như trước, nếu tiếp tục làm cũng không bằng lúc trước. Làm phải làm cho chu đáo mới không hổ thẹn với lòng mình, nên bà xin nghỉ”.
Biết được tin bà Tám xin nghỉ tham gia công tác Hòa giải, lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã đến tận nhà thăm hỏi, tặng giấy khen và tri ân những đóng góp của bà cho công tác hòa giải cơ sở ở địa phương.
Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp ghi nhận và tri ân những việc bà Tám đã cống hiến trong nhiều năm qua. “Ban Giám đốc rất trân trọng và lấy làm tiếc khi bà Tám không tham gia công tác này nữa. Giá trị của bà Tám trong suốt thời gian qua cống hiến cho công tác hòa giải cơ sở không có từ ngữ, ngôn từ nào có thể diễn đạt hết”.
Theo bà Phượng, người làm công tác hòa giải phải có tâm ở trong đó, câu chuyện hòa giải thành mới có kết quả. Trong thời gian tới, mặc dù không tham gia nữa nhưng cũng mong bà Tám dành thời gian nhìn ngó, đào tạo thế hệ kế thừa thay thế để công tác hòa giải cơ sở ở địa phương đạt kết quả cao.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam