Với mục đích đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên phụ nữ, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Thuận đã ký kết Chương trình phối hợp số 40/CTPH-STP-HLHPN ngày 26/02/2018 về thực hiện công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022 (Chương trình phối hợp). Qua 05 năm triển khai Chương trình phối hợp, công tác PBGDPL và hòa giải cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Thực hiện Chương trình phối hợp, hàng năm, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Thuận đều phối hợp tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường PBGDPL cho phụ nữ thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn cho cán bộ Chi, Tổ Hội phụ nữ tại các huyện Đức Linh, Tuy Phong, Bắc Bình,... Tại Hội nghị, các Báo cáo viên đã tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ như pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình,…
Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức các hội nghị triển khai, tập huấn, tuyên truyền; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo, đài xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền chính sách, pháp luật nhằm giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận và từng bước nâng cao kiến thức về pháp luật và chấp hành pháp luật một cách tốt hơn, thực hiện tốt mục tiêu 03 giảm về: Phòng chống tội phạm, ma túy; mại dâm; bạo lực gia đình.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ đã tổ chức 195 cuộc truyền thông trực tiếp tại địa bàn dân cư nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhờ đó đã phát huy hiệu quả tích cực trong nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi của hội viên, phụ nữ. Cấp huyện và cơ sở phối hợp tổ chức 482 lớp tập huấn, truyền thông chính sách, pháp luật có liên quan thu hút 32.955 hội viên, phụ nữ tham gia; tuyên truyền, vận động 21.542 người mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện; truyền thông diện rộng về di cư an toàn và di cư trái phép sang nước Úc có trên 500 hội viên, phụ nữ và nhân dân tham dự (thị xã La Gi).
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chương trình phỏng vấn và các tiểu phẩm pháp luật có nội dung tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật có liên quan đến phụ nữ để phát trên sóng truyền hình thông qua chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống”.
Đồng thời, Hội đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở, ngành liên quan biên soạn và phát hành đến hội viên Chi, Tổ Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hơn 3.000 quyển Sổ tay Hỏi - Đáp tình huống pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội có liên quan đến phụ nữ; hơn 9.000 quyển Bản tin Tư pháp đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố, trong đó đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở:
Phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là hòa giải những vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở cho hòa giải viên là cán bộ Chi, Tổ Hội phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó lồng ghép nội dung bồi dưỡng pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình thông qua các tiểu phẩm pháp luật.
Những năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ có liên quan đến phụ nữ. Đến nay, toàn tỉnh có 695 tổ hòa giải, trong đó đều có thành viên là cán bộ Hội phụ nữ tham gia. Nhiều địa phương, đội ngũ hòa giải viên nữ đã hoạt động rất tích cực, chủ động, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các thành viên tổ hòa giải cũng đã kịp thời tuyên truyền phổ biến những kiến thức pháp luật nhất định giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật và nắm được những nội dung pháp luật liên quan đến vụ việc, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, hàng năm các hòa giải viên cơ sở, trong đó có hòa giải viên nữ thường xuyên được rà soát kiện toàn, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Tư pháp và các cấp Hội đã có những thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình phối hợp ở các địa phương ngày càng được đồng bộ, rộng khắp. Công tác phối hợp giữa hai bên có sự chuyển biến, các hoạt động được triển khai xuyên suốt, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã nên hiệu quả hoạt động được nâng cao. Công tác tuyên truyền, PBGDPL ngày càng được các cấp coi trọng, đã có sự đổi mới trong cách thức tuyên truyền pháp luật đến hội viên, phụ nữ.
Phương hướng trong thời gian tới
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Sở Tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung triển khai các hoạt động sau:
- Tăng cường sự phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đối với hội viên, phụ nữ và nhân dân.
- Kiện toàn, củng cố và xây dựng đội ngũ người làm công tác PBGDPL, hòa giải viên ở cơ sở, trong đó tiếp tục huy động sự tham gia của phụ nữ; Tổ chức tập huấn về công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
- Tiếp tục triển khai công tác PBGDPL cho phụ nữ bằng nội dung, hình thức phù hợp; đổi mới biện pháp thực hiện PBGDPL cho phụ nữ; nhân rộng các mô hình đang được triển khai có hiệu quả; Ưu tiên triển khai tới các nhóm phụ nữ đặc thù (vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, ngư dân, nạn nhân bạo lực gia đình, phụ nữ là người khuyết tật).
- Tăng cường đầu tư các nguồn lực, biện pháp bảo đảm, đặc biệt là kinh phí, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ người làm công tác cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật./.
Nguyễn Thị Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật