Tình hình di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới Nghệ An diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là địa bàn có người Mông sinh sống. Người dân Việt và Lào sống ở vùng biên giới đã có sự di cư tự do qua lại trong một thời gian dài. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 1986 đến nay cho thấy số lượng người Lào di cư tự do sang Việt Nam ít hơn rất nhiều so với người Việt Nam di cư sang Lào. Hiện những người di cư tự do từ Lào sang cư trú ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở 04/06 huyện biên giới của tỉnh Nghệ An gồm: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong và Kỳ Sơn.
Nguyên nhân của tình trạng người Lào di cư tự do sang Việt Nam và người Việt Nam di cư tự do sang Lào là do: Dân cư hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc, có tập quán du canh, du cư từ lâu đời; trình độ nhận thức về biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ còn rất hạn chế; cơ sở hạ tầng, điều kiện làm ăn sinh sống rất khó khăn, trong khi đó kinh tế, xã hội của Việt Nam và Lào đang ngày càng được cải thiện, phát triển, vì vậy đã tác động đến những người dân của hai nước sống tại các tỉnh giáp biên di cư tự do để làm ăn, sinh sống; Bên cạnh đó, do thực hiện Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào dẫn đến việc dịch chuyển dân cư giữa một số địa phương hai nước, phần lớn người dân trước đây mà Việt Nam bàn giao cho Lào nay muốn quay trở lại Việt Nam cư trú ổn định lâu dài, sum họp với dòng tộc và hưởng các chế độ ưu đãi của Việt Nam. Riêng số dân di cư từ Lào sang Việt Nam hầu hết đều là những người lao động nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nói thông thạo tiếng Việt, tiếng địa phương, họ đều có nguyện vọng được cư trú ổn định và làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Trong những năm qua, người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú sang Nghệ An là công dân của các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bolykhamxay. Hầu hết, những người di cư đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở, đất canh tác tại địa phương nơi cư trú. Tuy nhiên, trước năm 2018, tất cả đều chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, chưa được đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, giấy tờ tùy thân...Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của người di cư khó khăn, mà còn phát sinh vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư nói chung tại khu vực biên giới.
Thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước về tình hình di cư tự do, kết hôn không giá thú tại vùng biên giới, Nghệ An đã tích cực vào cuộc sớm để rà soát, phân loại, lập danh sách trình cơ quan có thẩm quyền của 2 nước phê duyệt. Năm 2019, nghệ An đã trình Chủ tịch nước Quyết định nhập và trao quốc tịch cho 137 trường hợp (trong đó có 70 trường hợp tại huyện Kỳ Sơn, 27 trường hợp tại huyện Quế phong, 38 trường hợp tại huyện Tương Dương và 2 trường hợp tại huyện Con Cuông). Năm 2020 và 2021, thực hiện nhập và trao quốc tịch cho 74 trường hợp (trong đó có 51 trường hợp tại huyện Kỳ Sơn, 10 trường hợp tại huyện Quế phong và 13 trường hợp tại huyện Tương Dương). Tổng cộng các đợt có 211 người Lào sinh sống trên địa bàn các xã biên giới của Nghệ An được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong những năm qua, công tác PBGDPL luôn được cấp uỷ và chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đối với người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào. Đây là khu vực miền núi, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu, vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hết sức hạn chế, cũng là một trong những nguyên nhân mà các đối tượng xấu luôn lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội như buôn bán, vận chuyển tàng trữ ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em, đưa người sang nước ngoài trái phép, tảo hôn…Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh: 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 632 vụ , 888 đối tượng tội phạm ma túy, trong đó có nhiều là đối tượng là người dân đồng bào vùng biên giới thực hiện vận chuyển ma túy qua tiểu ngạch… Do đó, UBND tỉnh Nghệ An đã thường xuyên có văn bản tập trung chỉ đạo UBND các huyện có các xã biên giới giáp Lào tăng cường công tác PBGDPL, trong đó xác định cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn các văn bản QPPL có liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao đời sống vật chất và dân trí cho nhân dân, các văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống các tội phạm, phải lựa chọn và đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp để cho người dân dễ tiếp thu và dễ thực hiện, tuân thủ.
Trước yêu cầu đặt ra, đã có nhiều hình thức phù hợp và hiệu quả được áp dụng để triển khai thực hiện như: tổ chức các cuộc họp dân để phổ biến trực tiếp, gặp gỡ từng người để tư vấn trợ giúp pháp lý, tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, biên soạn các tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh với nhiều nội dung sát thực như: Công tác về phòng, chống ma tuý; phòng chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, loại trừ hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, an ninh tôn giáo và một số quy định về an ninh biên giới Quốc gia; Luật Quản lý, sử dụng vụ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…
Các sở, ban, ngành, đoàn thể được phân công nhiệm vụ đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, trong đó, một số đơn vị đã thực hiện nhiều hình thức thiết thực và hiệu quả như:
Công an tỉnh đã có 500 cuộc nói chuyện chuyên đề pháp luật cho hơn 25.000 cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đào tạo nghiệp vụ cho 73 người là trưởng, phó công an xã miền núi, vùng cao. Tổ chức xây dưng và nhân rộng mô hình "xã biên giới sạch và ma túy". Tổ chức ký biên bản kết nghĩa giữa Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương với địa bàn các xã biên giới. Tăng cường 132 cán bộ, chiến sỹ cho lực lượng công an các xã biên giới nhằm đẩy mạnh đấu tranh tội phạm ma túy; trao 5.000 móc khóa an ninh trật tự đã được trao tận tay cho người dân trên địa bàn biên giới tại các huyện Kỳ Sơn, Tương dương, Con Cuông. Mỗi móc khóa được thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo người, có in số điện thoại trực ban của Công an xã. Từ móc khóa này, người dân có thể nhanh chóng báo tin cho lực lượng Công an tại cơ sở khi phát hiện và tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả gần 40.000 tổ tự quản về an ninh trật tự và nhân rộng ra 928 điểm. Nhiều mô hình phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả như: mô hình “Hệ thống chính trị và doanh nghiệp chung tay góp sức, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng” xã Na Ngoi (Kỳ Sơn); “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người tại xã Tam Quang, Nga My (Tương Dương), Quang Phong (Quế Phong); mô hình “Lá chắn” phòng chống mua bán người tại bản Hồn Diện, xã Đôn Phục (Con Cuông); mô hình “Bản làng không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn; “xã biên giới sạch và ma túy”; “xóm bản văn minh không có tệ nạn ma túy”; “tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”….
Để đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh nói chung và trên tuyến biên giới Việt - Lào nói riêng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 318/QĐ-CAT-PV01 ngày 7/4/2022 về việc ban hành Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì có hiệu quả 84 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 716 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; tổ chức 2.589 buổi tuyên truyền cho 187.323 lượt người tham gia; tổ chức biên tập và thu âm những nội dung liên quan đến pháp luật biên giới và cuộc sống của người dân bằng 2 thứ tiếng phổ thông, tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số để phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ của địa phương, đơn vị; thành lập các tổ tuyên truyền lưu động sử dụng loa kéo đi đến các thôn, bản và các cụm dân cư mà hệ thống truyền thanh của xã, phường chưa tới để phát vào các ngày trong tuần với thời lượng khoảng 60 phút/ngày (30 phút vào đầu buổi sáng lúc bà con chưa đi làm và 30 phút cuối buổi chiều bà con đi làm về); in và cấp phát 36.810 tờ rơi, tờ gấp với nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh và di cư trái phép; phân công 593 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách 2.846 hộ gia đình ở khu vực biên giới để tuyên truyền, PBGDPL, nhất là số thanh niên không có công việc ổn định, có nguy cơ vi phạm pháp luật; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Truyền hình QPVN, VTV... xây dựng 121 phóng sự, 1.445 tin, bài tuyên truyền về phòng chống di cư, xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội...
Báo Nghệ An xây dựng chuyên trang dân tộc miền núi phát hành vào cuối tuần với các chuyên mục “Gương sáng bản Mường”,“Dân bản nói”, duy trì chuyên mục “Đời sống và pháp luật” ở nhật báo hàng ngày và báo Nghệ An điện tử; Phối hợp với các văn phòng luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chuyên đề dài kỳ về tuyên truyền pháp luật: Chuyên đề nâng cao hiểu biết pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loạt bài phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em, bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống ma túy khu vực biên giới, hiệu quả từ các phiên tòa xét xử lưu động ở vùng cao.
Thực hiện công tác đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại cho hội viên, phụ nữ vùng biên giới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức 4 cuộc truyền thông tại xã Xá Lượng, trường THPT Tương Dương 2, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong; 01 cuộc đối thoại chính sách; 01 cuộc thi tìm hiểu kiến thức về di cư, mua bán người online tại Thi Online trên trang Fanpage “Phụ nữ Nghệ An” tại xã Lượng Minh, xã Xá Lượng; Trường THPT Tương Dương 1, Tương Dương 2, huyện Tương Dương. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”…Triển khai xây dựng mô hình "Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, đồng hành cùng chi hội, tổ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, biên giới" tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong; tổ diễn đàn “Lắng nghe phụ nữ H’Mông nói”...
Sở Tư pháp đã tổ chức 161 đợt truyền thông, thông tin về TGPL đến tận 437 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn của các xã nghèo thuộc huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn,Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu; biên soạn và phát hành 11.000 tờ gấp bằng tiếng dân tộc tuyên truyền pháp luật về hộ tịch, hôn nhân gia đình...; 7.000 cuốn sách hỏi đáp pháp luật cần cho người dân cơ sở; 5.000 cuốn sách về cẩm nang Hòa giải cơ sở; 10.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về ma túy, tội phạm, giao thông; tổ chức 04 buổi tọa đàm với cán bộ chính quyền cơ sở, hướng dẫn một số kỹ năng trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở cho các hòa giải viên, già làng, trưởng bản; tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thông qua các trò chơi truyền thống sinh động gắn với phong tục tập quán của bà con thôn bản nhiều (Bản Na Cày, xã Tiền Phong, Quế Phong; bản Pột, xã Nga My, huyện Tương Dương, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp...). Các chuỗi hoạt động đó đã được Lãnh đạo UBND các xã, bà con thôn, bản đánh giá cao kết quả mà cán bộ và người dân được thụ hưởng thông qua hoạt động tuyên truyền của cơ quan Sở Tư pháp.
Năm 2019, Sở Tư pháp đã phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp; Tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh; UBND các huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông; Báo Nghệ An, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức các Đoàn công tác lưu động trực tiếp tại chỗ để làm việc cụ thể, nắm tình hình và triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu trong quá trình thực hiện các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho các trường hợp người di cư được phép cư trú, đoàn công tác cũng đã lồng ghép công tác tư vấn pháp luật, phổ biến các chính sách, các quy định pháp luật về đăng ký quản lý hộ tịch trong các lĩnh vực kết hôn, khai sinh, khai tử cho người dân trên địa bàn.
Nhằm ổn định cuộc sống của người dân sau khi được nhập quốc tịch Việt nam, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân, Sở Tư pháp đã tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về Quốc tịch; hộ tịch, kết hôn cho các trường hợp người di cư được phép cư trú tại tại huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính để được cấp giấy đăng ký kết hôn, khai sinh…; Biên soạn, in ấn và phát hành 25.000 tờ gấp có nội dung “Một số quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch” cấp phát cho cán bộ và nhân dân vùng biên.
Tỉnh đoàn tổ chức Chương trình giao lưu “Dấu chân tình nguyện”, tổ chức truyền thông lưu động về phòng, chống ma túy và mua bán người tại xã Tam Hợp, Tương Dương, xã Châu Bính, Quỳ Châu; xây dựng câu lạc bộ “Thanh niên giữ yên biên giới” tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong.
Thực hiện Đề án “Đầy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” “Hỗ trợ bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 126 cuộc cho 59.629 lượt người tham dự.
Các huyện có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào đã thực hiện nhiều hình thức PBGDPL cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như tập huấn tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động, Tủ sách pháp luật, cuộc thi tìm hiểu pháp luật... với nội dung phong phú, thiết thực với sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân dân, tiêu biểu: tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại bản Phồng, Tam Hợp; bản Khe Quỳnh, Xiêng My, huyện Tương Dương; bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập, bản Hòm xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn.... Các phiên tòa đã thu hút đông đảo bà con dân tộc thiểu số tham dự qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi pháp luật trong nhân dân Tương Dương chọn 18 bản của các xã làm mô hình điểm tổ chức sinh hoạt ngày pháp luật Việt Nam; Chọn bản Na Tổng, xã Tam Thái để xây dựng chuyên đề phóng sự của Ngày pháp luật Việt Nam; huyện Anh Sơn cấp 63 băng đĩa về hỏi đáp lĩnh vực luật đất đai, dân sự, hình sự, bảo vệ môi trường, phòng, chống bạo lực gia đình; huyện Quế Phong tổ chức thi truyền thông sân khấu hóa về Luật phòng, chống ma túy, Luật giao thông đường bộ tại xã Tri Lễ, Quế Sơn, Hạnh dịch, Châu Kim, Đồng Văn, Quy Phong, Cắm Muộn với hơn 5000 người tham gia. Tổ chức 03 cuộc thi “Rung chuông vàng” cho học sinh trường THCS Thông Thụ, trường THCS Châu Thôn, trường THCS Tri Lễ. Huyện Quỳ Châu tổ chức 11 cuộc thi như tìm hiểu pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy, chủ tịch xã với pháp luật, tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới… thực hiện 30 chương trình hỏi đáp về Luật bảo vệ phát triển rừng, Bộ luật dân sự, Luật đất đai; 15 chương trình hỏi đáp pháp luật về phòng chống tham nhũng...
Nhiều mô hình tuyên truyền có tính sáng tạo như: "Bản tin vùng biên" phát bằng 02 thứ tiếng (tiếng đồng bào và tiếng phổ thông) trên hệ thống truyền thanh của các bản làng; mô hình "mỗi tuần học một điều luật", mô hình "tiết học vùng biên", “Đi từng bản, gõ cửa từng nhà”, phát tờ gấp về tìm hiểu các văn bản pháp luật (Kỳ Sơn), tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp bên cạnh sử dụng ngôn ngữ phổ thông kết hợp với tiếng Thái (Quế Phong)... để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân biên giới.
Sau khi có Chỉ thị 01/2015/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo các xã biên giới, phối hợp với Bộ đội biên phòng nghiêm túc quán triệt, triển khai sâu rộng, có hiệu quả, trong đó các phong trào như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản biên giới”, “Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”... được tổ chức và duy trì. Kết nghĩa 21 cặp bản hai bên biên giới, 8 đồn biên phòng với 8 đơn vị đại đội, công an Lào, nhận đỡ đầu 16 em học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn, trong đó huyện Kỳ Sơn hiện đã có 15 cặp bản, 2 chi hội đoàn thể và 3 đơn vị vũ trang ký kết với các bản, cụm bản và đơn vị phía Bạn và kết nghĩa 4 huyện bạn đối diện.
Thông qua các Hội nghị giao ban thường niên với các huyện chung biên giới với bạn Lào định hướng nội dung tuyên truyền cho Nhân dân hai bên biên giới thực hiện nghiêm Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các hiệp định, hiệp nghị và quy chế biên giới. Các lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự phối hợp tổ chức tuần tra biên giới theo quý và đột xuất. Qua kiểm tra, các dấu hiệu đường biên được giữ nguyên trạng, cột mốc không bị xê dịch. huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội nghị giao ban thường niên với 4 huyện chung biên giới với Bạn Lào theo đúng chương trình công tác đối ngoại năm 2019 của UBND huyện.
Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới
Ký kết Biên bản ghi nhớ thảo thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp Nghệ An và Sở Tư pháp Xiêng Khoảng
Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước cũng như giữa tỉnh Nghệ An và các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng từ ngày 1/8/2017 đến ngày 4/8/2017. Trong chuyến làm việc này, Sở Tư pháp Nghệ An và Sở Tư pháp Xiêng Khoảng đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về công tác tư pháp.
Thực hiện chuyến công tác tại Sở Tư pháp Xiêng Khoảng
Thực hiện các nội dung của Biên bản Thỏa thuận hợp tác ký ngày 02/8/2017, ngày 03/5/2018, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ký Quyết số 1641/QĐ-UBND cử Đoàn cán bộ của Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An sang thăm và làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào từ ngày 09-12 tháng 05 năm 2018. Hai Sở Tư pháp đã có những hoạt động gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về công tác luật pháp và tư pháp và một số vấn đề có liên quan đến giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng và thống nhất một số nội dung, chương trình hợp tác từ 2018 đến năm 2020.
Ký kết Biên bản ghi nhớ thảo thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp Nghệ An và Sở Tư pháp Hủa Phăn
Ngày 12/9/2018, đã tổ chức thành công Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về công tác tư pháp giữa Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An và Sở Tư pháp tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) tại Nghệ An.
Qua các Biên bản ghi nhớ hợp tác, các bên thống nhất tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác tư pháp dựa trên mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào. Ngoài ra, hai bên còn trao đổi kinh nghiệm và thông tin về công tác giải quyết các vấn đề về luật pháp và công tác tư pháp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp; sự phối hợp với các cơ quan liên quan của 02 tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp họ có cách hành xử đúng pháp luật, đặc biệt là người dân khu vực biên giới của 02 tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động đến tận các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về hộ tịch, quốc tịch nói riêng và vận động nhân dân thực hiện các nghĩa vụ pháp luật của mình.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới Việt Nam – Lào vẫn còn khó khăn, vướng mắc:
- Việc triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân vùng biên giới đặc biệt là người dân Lào vừa được nhập quốc tịch Việt Nam chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Số lượng các cuộc tuyên truyền, PBGDPL có chất lượng cho người dân tại các bản vùng sâu vùng xa chưa được nhiều và chưa thường xuyên. Hầu hết đối tượng được tuyên truyền là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, không biết tiếng Việt, lại thường xuyên di cư, chỗ ở không ổn định. Điều này đã gây khó khăn trong quá trình truyền tải các thông tin pháp luật đến với họ.
- Đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân ở cơ sở về năng lực, trình độ không đồng đều, còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
- Mức độ hiểu biết, nhận thức của người dân hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn nên mặc dù chính quyền đã chú trọng công tác tuyên truyền,PBGDPL cho người dân nhưng hiệu quả không cao do họ chưa thực sự có ý thức tự giác trong việc tìm hiểu pháp luật. Hơn nữa nhiều địa phương miền núi còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong tiềm thức một bộ phận dân cư nên việc PBGDPL gặp nhiều khó khăn.
- Điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên còn thiếu, nhất là về kinh phí. Vì vậy, việc thực hiện tuyên truyền, PBGDPL thường xuyên, đổi mới hình thức, nội dung chưa đạt kết quả cao.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào trong thời gian tới, cần phải có sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc của toàn xã hội và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Thứ Nhất, cần xác định và nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, từ đó tạo sự gắn kết giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, ban, ngành và của chính quyền địa phương đối với công tác tuyên truyền,PBGDPL cho người dân vùng biên giới.
- Thứ Hai, tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, triển khai sâu rộng Chỉ thị số 32 - CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân và các văn bản về công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL về cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nói riêng.
- Thứ Ba, tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, chọn lọc, phát triển các mô hình, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân.
- Thứ Tư, định kỳ kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai để rút ra bài học kinh nghiệm, từng bước đổi mới cả hình thức và nội dung tuyên truyền. Đẩy mạnh lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động giao lưu văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó chia sẻ thông tin, cách làm hay về công tác PBGDPL Gắn việc tuyên truyền, PBGDPL với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu, nguyện vọng của người dân để có những kế hoạch phù hợp.
- Thứ Năm, tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan như phòng dân tộc, bộ đội biên phòng, công an, kiểm lâm và chính quyền địa phương các huyện, xã biên giới để tổ chức tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, đấu tranh chống các tập tục lạc hậu.
- Thứ Sáu, tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS; cần có chế độ chính sách hợp lý, ưu tiên, ưu đãi cho các các đối tượng thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đồng thời phải tăng cường kinh phí, có giải pháp cụ thể hơn để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay và những năm tới./.
Nguyễn Thị Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An