Liên kết website

Nam Định: Điểm sáng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ

30/08/2022

Trong những năm qua, công tác xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) , trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ được ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Nam Định quan tâm, tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều hoạt động kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác này. Theo đó chị em phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội ngày càng nhiều và hiệu quả.

Đặc biệt, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở nói chung, trong đó có nữ giới được triển khai kịp thời. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 26/61 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là nữ (đạt tỷ lệ 42.6%); 64/188 báo cáo viên pháp luật cấp huyện là nữ (đạt tỷ lệ 34.0%); 515/1717 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là nữ (đạt tỷ lệ 29.9%). Về số lượng hòa giải viên nữ tại các tổ hòa giải có 6.214/21.088 tổng số hòa giải viên trên địa bàn tỉnh[1] (đạt tỷ lệ 29.5%).
Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (gọi là Chương trình phối hợp số 60) của Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác PBGDPL cho phụ nữ được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong 05 năm qua, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh thường xuyên phối hợp chỉ đạo Phòng Tư pháp và Hội LHPN cấp huyện tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, khoảng 2.163 cuộc truyền thông tại cấp huyện và cơ sở; lồng ghép trong sinh hoạt Câu lạc bộ tới 340.750 bà mẹ, hội viên phụ nữ, thành viên gia đình có con dưới 16 tuổi được tiếp cận với các thông tin, các kiến thức pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề: xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực học đường; phòng chống xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống tội phạm, ma túy và ma túy học đường, mại dâm, buôn bán người, tín dụng đen; phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em; đảm bảo an toàn giao thông; công tác dân số trong tình hình mới… Hình thức tuyên truyền, phổ biến thường xuyên được đổi mới, đa dạng như tổ chức hội nghị, diễn đàn, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, các buổi nói chuyện chuyên đề, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, biên soạn và cấp phát tờ rơ, tờ gấp pháp luật, các Bản tin ngành... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ và chấp hành của chị em phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong 05 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận và hòa giải 3.990 vụ
việc, trong đó hòa giải thành 2.750 vụ việc (đạt tỷ lệ 70%). Các vụ việc hòa giải chủ yếu là mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình về quan niệm sống, lối sống, vụ việc tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đồng dân cư, phần lớn thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, quan hệ dân sự... Đối với các vụ việc vượt quá quyền hạn, đã hướng dẫn các đối tượng đề nghị cơ quan chức năng giải quyết. Công tác hòa giải thành ở cơ sở đã góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Đội ngũ báo cáo viên, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chấp hành pháp luật tại địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có nhiều hình thức, biện pháp phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phối hợp số 60 có hiệu quả trên thực tế. Toàn tỉnh xây dựng và củng cố 349 mô hình về an toàn cho phụ nữ và trẻ em (Mô hình: “Nhóm cha mẹ”; “Ông bố bà mẹ có con tuổi vị thành niên”; “Mẹ và con gái”; “Đội can thiệp nhanh”...); phối hợp với các huyện/thành phố tổ chức rà soát mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các trung tâm tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin các địa chỉ liên quan đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên bản đồ số VMAP; phối hợp với ngành Tư pháp, tiến hành trợ giúp pháp lý cho 1.136 hội viên, phụ nữ.
Toàn tỉnh đã có 188 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tổ chức sinh hoạt đều đặn hàng tuần, hàng tháng và sinh hoạt đặc biệt vào các ngày 08/3, 20/10, Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) với các nội dung sinh hoạt đa dạng phong phú như: mời chuyên gia nói chuyên đề; phối hợp với ngành tư pháp tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật ngay tại địa bàn khu dân cư... Duy trì hoạt động mô hình tổ tư vấn pháp luật tại xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, xã Tam Thanh huyện Vụ Bản. Thông qua hoạt động câu lạc bộ các thành viên tham gia được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về pháp luật góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương.
Từ thực tế triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 60 trên địa bàn tỉnh Nam Định cho thấy, một số kinh nghiệm, bài học trong triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ là: Sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp cấp ủy, chính quyền đối với công tác PBGDPL nói chung và phụ nữ nói riêng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh, từng bước tạo được ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc phòng. Cần lựa chọn đúng nội dung kết hợp hình thức PBGDPL phù hợp với phụ nữ và từng địa bàn sẽ đem lại hiệu quả cao. Nội dung tài liệu PBGDPL phải thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương. Cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, kết hợp tăng cường lồng ghép với những hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng; các buổi nói chuyện chuyên đề; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật và biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau…. Mô hình các Câu lạc bộ phụ nữ có nhiều lợi thế trong việc tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại cơ sở. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng mang lại hiệu quả cao trong công tác thông tin, tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay. Cuối cùng, cần đầu tư nguồn kinh phí và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp. Thực tế cho thấy, hiệu quả các hoạt động PBGDPL cho phụ nữ được thực hiện tốt ở cơ quan, đơn vị đảm bảo được nguồn kinh phí./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Báo cáo số 1108/BC-STP ngày 29/8/2022 về tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTPHLHPNVN ngày 05/01/2018 giữa Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựngpháp luật giai đoạn 2018 - 2022.
Các tin đã đưa ngày: