Kiện toàn cơ quan tư vấn, tham mưu về phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy, việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (bao gồm các lĩnh vực, bộ phận trong hệ thống chính trị) rất cần thiết. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, từ năm 2013 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Lạng Sơn đã 06 lần được tiến hành kiện toàn. Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Lạng Sơn có 42 thành viên (trong đó: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Chủ tịch thường trực và 40 Ủy viên Hội đồng là Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh)
[1]. Hội đồng phối hợp PBGDPL của 11/11 huyện, thành phố đã được kiện toàn kịp thời, đúng quy định. Sau khi Hội đồng được kiện toàn lại đã ban hành văn bản phân công nhiệm vụ, quy chế tổ chức đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng được thực hiện hiệu quả
[2]. Trong 10 năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức được 06 phiên họp toàn thể Hội đồng; đã tổ chức được 18 cuộc kiểm tra công tác PBGDPL tại 15 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Bên cạnh đó, hằng năm Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện đều có kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL trên địa bàn mình.
Củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật
Để công tác PBGDPL đạt hiệu quả, có chiều sâu, đi vào thực chất, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tăng cường chỉ đạo thường xuyên củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 86 báo cáo viên pháp luật tỉnh; 320 báo cáo viên huyện; 3.332 tuyên viên pháp luật. Ngoài ra, các cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh của tham gia công tác PBGDPL như: Báo cáo viên của Đảng, Giảng viên, Giáo viên, Công an viên, Trợ giúp viên pháp lý,... góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 130.580 hội nghị, tập huấn pháp luật cho hơn 4.262.175 lượt người nghe về nhiều lĩnh vực khác nhau; trên 1.500 cuộc hội thảo, tọa đàm với hơn 90.000 lượt người tham dự; qua đó kịp thời truyền tải các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân
Để công tác PBGDPL có hiệu quả, thực chất, phù hợp với đặc điểm của tỉnh Lạng Sơn
[3], hằng năm Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đều chỉ đạo nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, phổ biến, trong đó tập trung vào phổ biến các Luật, Nghị quyết mới ban hành, các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; quốc phòng, an ninh; các văn bản luật liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp;... bằng hình thức đa dạng, phù hợp, thiết thực với từng vùng, từng đối tượng như thông qua tuyên truyền miệng; biên soạn và phát hành tài liệu pháp luật cho các đối tượng; các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hoạt động của các câu lạc bộ; phiên tòa xét xử lưu động; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã biên soạn, phát hành và cấp phát 6.250.000 văn bản, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật gồm sách, sổ tay, tờ rơi, đĩa CD..., trên 14.000 tin, bài phóng sự, trên 560 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hơn 150.000 lượt tham gia; Đội chiếu bóng lưu động thực hiện tuyên truyền lồng ghép trước các buổi chiếu được 3.098 buổi, 546 lượt tại các xã, phục vụ 245.735 người nghe và xem nhân Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam…
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, hình thức tuyên truyền chủ yếu trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, website, mạng xã hội (zalo, facebook, youtube...), thông qua các cuộc thi, hội thi nhất là các cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên internet, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, các cuộc họp dân...
Duy trì, phát huy nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả tiếp tục được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phát huy, đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian qua như: Biên soạn các hình ảnh đồ họa thông tin tuyên truyền (infographic); tổ chức cuộc thi Báo cáo viên pháp luật giỏi; cuộc thi vẽ tranh chủ đề pháp luật, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; biên soạn tờ gấp, sách bỏ túi song ngữ Việt - Trung để cấp phát cho người dân các xã, thị trấn khu vực biên giới; tuyên truyền thông qua hình thức chiếu bóng lưu động; tổ chức phiên tòa giả định… Duy trì mô hình “Biên giới học đường”; 21 Tổ thông tin truyền thông của các đồn biên phòng; 13 tổ tuyên truyền, tư vấn pháp luật; “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ tuyên truyền PBGDPL tại khu dân cư”, “Chi đoàn 3 KHÔNG với ma túy”; nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”; “Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình", "Gia đình hội viên phụ nữ không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, "Bạn giúp bạn", "Phòng, chống mua bán phụ nữ trẻ em", "Phòng chống HIV/AIDS”, "Gia đình hạnh phúc"; "Tuổi trẻ phòng chống tội phạm"; xây dựng lực lượng, thành lập mạng lưới cộng tác viên nhóm kín trên không gian mạng để triển khai thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng...
Quan tâm triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường
Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù (gồm: người dân ở nông thôn, đồng bào dân tộc, thiểu số; người lao động trong doanh nghiệp; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo…) cũng được các địa phương quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, trợ giúp pháp lý... Các sở, ban, ngành đã tổ chức trên 150 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quản trị doanh nghiệp cho hơn 10.827 lượt người tham dự; trên địa bàn tỉnh có tổng số 146/200 xã triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL tại 11 huyện, thành phố với trên 6.780 lượt người tham dự; qua đó, đã góp phần giúp người dân nắm được các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các nội dung được tuyên truyền, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số...
Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được thực hiện có hiệu quả; gắn PBGDPL với tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; kết hợp giáo dục chính khóa và ngoại khoá, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đến nay, 100% các nhà trường có Tủ sách (hoặc Ngăn sách pháp luật). Việc ứng dụng công nghệ thông tin và các biện pháp tuyên truyền, PBGDPL đã được đẩy mạnh; mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện” trong khuôn viên sân trường tiếp tục xây dựng, duy trì, phát triển; nhiều buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, giao lưu, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, vẽ tranh chủ đề pháp luật đã được các nhà trường tổ chức.
Triển khai các Chương trình, Đề án về PBGDPL kịp thời, hiệu quả
Trên cơ sở Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các Đề án về PBGDPL của Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai, thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật
[4] đảm bảo kịp thời, có hiệu quả, theo đúng hướng dẫn của cấp trên và phù hợp với địa bàn, đối tượng và nguồn lực của địa phương. Trong quá trình thực hiện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp, lồng ghép với việc triển khai các chương trình đề án khác về PBGDPL trên cùng địa bàn để phát huy tối đa các nguồn lực. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát huy hiệu quả các Chương trình phối hợp liên ngành về PBGDPL; trong đó chú trọng phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước về các quyền dân sự, chính trị; các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013; các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…
Từ những kết quả trên có thể thấy, trong 10 năm qua, việc triển khai công tác PBGDPL nói chung và triển khai thực hiện Luật PBGDPL nói riêng đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; tình hình vi phạm pháp luật ở một số địa bàn có giảm rõ rệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành đúng quy định pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp; việc nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đại bộ phận nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động PBGDPL đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về mặt nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội cũng như ý nghĩa và sự cần thiết của việc PBGDPL trong xã hội, từng bước cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013./.