Liên kết website

Lạng Sơn: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các thế hệ phụ nữ trên địa bàn

19/09/2022

Nhằm phát huy đầy đủ vai trò, nâng cao trách nhiệm của ngành Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của phụ nữ, kịp thời hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên phụ nữ, ngày 09/5/2018, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất ký Chương trình phối hợp số 1431/CTPH-STP-HPN nhằm đẩy mạnh công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm tổ chức triển khai đến tận cơ sở và được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại các xã, thị trấn ủng hộ, phối hợp thực hiện dưới nhiều hình thức; kết quả thực hiện Chương trình đã hoàn thành mục tiêu đề ra, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các thế hệ phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn thường xuyên kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.332 tuyên viên pháp luật, 1.700 tuyên truyền viên pháp luật là Chi hội trưởng phụ nữ, hội viên phụ nữ nòng cốt. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các huyện, thành phố có 01 đồng chí lãnh đạo tham gia Hội đồng phối hợp PBGDPL của tỉnh, huyện; cử cán bộ nữ tham gia báo cáo viên pháp luật của tỉnh/huyện, 100% Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ Hội ở các chi, tổ phụ nữ tham gia tổ hòa giải và là mạng lưới tư vấn, cộng tác viên tuyên truyền pháp luật ở thôn, bản, khối phố. Đây chính là lực lượng đông đảo, góp phần quan trọng trong thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Hai ngành thường xuyên tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với phụ nữ, tập trung tuyên truyền các văn bản có liên quan thiết thực tới quyền, nghĩa vụ của phụ nữ như: pháp luật về hôn nhân gia đình; về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình… theo nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Từng bước đổi mới hình thức PBGDPL theo phương châm hướng về cơ sở, đến được với đối tượng thụ hưởng như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn; biên soạn các loại tài liệu ngắn gọn, dễ dọc, dễ nhớ để phát cho chị em phụ nữ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ...
Trong 05 năm, từ năm 2018 đến năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức trên 120 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật tại cấp huyện, cấp xã nâng cao năng lực cho 12.080 lượt đại biểu tham dự trong đó có đại biểu là cán bộ, hội viên Hội phụ nữ về kỹ năng và những kiến thức pháp luật cần thiết để thực hiện công tác PBGDPL. Công tác tập huấn đã từng bước được cải tiến theo hướng trao đổi, thảo luận hai chiều giữa người nói và người nghe, kết hợp các công cụ hỗ trợ như: máy chiếu, xem phim, ảnh... nên đã tạo được hiệu ứng tốt, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của chị em phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chị em đã gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật, vận dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 54 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp và Chi hội trưởng, Hội LHPN các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức được 112 lớp cho các đồng chí là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ... Trong đó nội dung chủ yếu tập trung vào các chuyên đề: Kỹ năng tổ chức các hoạt động truyền thông, kỹ năng tuyên truyền miệng, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, kỹ năng nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc...
Ngoài ra, để công tác tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu hiệu quả, hai ngành đã thống nhất đổi mới cách thức tuyên truyền như: sinh hoạt ngày pháp luật tại các cơ quan, tổ chức (gắn với sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan và họp giao ban hàng tháng của Hội phụ nữ các cấp); PBGDPL thông qua mạng máy tính nội bộ, mạng internet; mô hình tuyên truyền pháp luật lồng ghép; ký cam kết không vi phạm pháp luật; cổ động trực quan; hội trại tuyên truyền pháp luật; đối thoại chính sách pháp luật,...; đồng thời đã tiến hành biên soạn, cấp phát các tài liệu hướng dẫn được trên 8.400 bộ đề cương tuyên truyền và 1.000.000 tờ gấp pháp luật với các nội dung phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phòng, chống mại dâm; phòng, chống bạo lực gia đình, tìm hiểu Luật Bình đẳng giới cho 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; 47.500 bộ tài liệu, đề cương tuyên truyền, cẩm nang pháp luật về các lĩnh vực pháp luật. Các tài liệu, đề cương tuyên truyền được biên soạn theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn được tuyên truyền.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn tổ chức các hoạt động thành lập, duy trì sinh hoạt và nhân rộng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các Câu lạc bộ (hiện có 306 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 35 Câu lạc bộ Bình đẳng giới – phòng chống bạo lực gia đình). Thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ đã giới thiệu, phổ biến thông tin, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới hội viên và nhân dân, đa dạng hóa các hình thức thông tin pháp luật tại cơ sở. Phối hợp tổ chức hoạt động đối thoại chính sách pháp luật về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người, Luật cư trú, di cư lao động an toàn, các chế độ chính sách liên quan đến dân tộc thiểu số cho hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng tại các huyện, thành phố. Đồng thời tổ chức các hoạt động về Chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người, gồm: 4 nhóm (nhóm hội viên phụ nữ; nhóm cán bộ chủ chốt thôn, bản và xã; nhóm trẻ vị thành niên và cha mẹ).
Trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở
Ủy ban nhân dân các cấp của tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức việc rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải, bầu bổ sung, thay thế Hòa giải viên khi có biến động về nhân sự; bảo đảm các Tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.988 tổ hoà giải với 10.891 hoà giải viên. 100% các tổ hoà giải đều có ít nhất 01 hội viên Chi hội phụ nữ tham gia. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 10-15 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải với 10.650 lượt người tham dự là cán bộ, công chức cấp xã và thành viên tổ hòa giải. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ hoà giải viên có trình độ, có kiến thức pháp luật và có uy tín xã hội thực hiện hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở.
Trong 05 năm qua, các tổ hoà giải trên địa bàn toàn tỉnh đã hoà giải thành 10.209/14.017 vụ việc, đạt tỉ lệ 73% kết quả, chất lượng hòa giải ở cơ sở năm sau tăng cao hơn năm trước. Thông qua đó đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu kiện, giúp các cơ quan nhà nước và công dân tiết kiệm được thời gian và kinh phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: