Hội nghị có sự tham gia của gần 200 đại biểu là Lãnh đạo Phòng Tư pháp, chuyên viên Phòng Tư pháp làm công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Với vai trò là báo cáo viên tại Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã cung cấp và làm rõ các nội dung cơ bản về nghiệp vụ trong triển khai thực hiện xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm: Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời là cơ sở quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, khẳng định vị thế của pháp luật trong quản lý nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh việc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Qua đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cũng như công tác thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được trao đổi, giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương. Từ đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật này tới CBCC, VC, NLĐ và nhân dân, góp phần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở./.
Đỗ Thanh Hải
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh