Việc triển khai thực hiện Đề án nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, do vậy đã hoàn thành 100% các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ Kế hoạch đề ra, đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Đội ngũ tập huấn viên và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn (cấp tỉnh: 05; cấp huyện: 66). Các tổ hòa giải được thành lập theo thôn, bản, tổ dân phố (trung bình từ 05 đến 07 hòa giải viên), thành phần chủ yếu là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, đoàn thanh niên, cán bộ hưu trí, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., trong đó chú trọng hòa giải viên nữ, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số (hiện nay toàn tỉnh có 1.321 tổ hoà giải và 6.945 hoà giải viên).
Xác định việc cung cấp tài liệu, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án để nâng cao năng lực cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ ở trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã ban hành văn bản triển khai Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hoà giải viên do Bộ Tư pháp ban hành theo Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020; trong đó, đề nghịUBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, phổ biến tài liệu đến 100 % các tổ hoà giải, hoà giải viên ở cơ sở, đồng thời Sở Tư pháp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn để các địa phương khai thác, sử dụng (đã cấp phát hơn 5.000 bộ tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở). Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện được 04 Hội nghị, cử tập huấn viên cấp tỉnh tham gia tập huấn đầy đủ các Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức.
Cùng với đó, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tổ chức được 44 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở cho 2.487 hòa giải viên ở cơ sở; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng hòa giải, công tác trợ giúp pháp lý, công tác an ninh trật tự, công tác dân tộc cho người có uy tín, hòa giải viên cơ sở.
Bên cạnh các ấn phẩm, tài liệu được phát hành theo phương thức truyền thống, Sở Tư pháp duy trì các chuyên mục: “Phổ biến, giáo dục pháp luật”, “Thông tin tuyên truyền”, “Hỏi - đáp pháp luật” trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn để thường xuyên cập nhật kịp thời các tin, bài phản ánh hoạt hoà giải ở cơ sở. Đồng thời cập nhật các thông tin pháp luật, tin, bài, tài liệu, video, hình ảnh về hoạt động hoà giải ở cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Kạn kể từ khi Cổng chính thức vận hành, đi vào hoạt động (tháng 12/20200).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên được nhiều cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, điển hình là ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo... Tại cấp huyện, cấp xã việc tuyên truyền, phổ biến các tài liệu tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nhất là trong thời điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện chủ yếu trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Thông qua việc triển khai Đề án, nhận thức của hoà giải viên đối với công tác hoà giải ở cơ sở đã dần được thay đổi, các hoà giải viên tham gia tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết hơn, kỹ năng thực hiện một quy trình hòa giải kỹ hơn, sâu sát hơn, nghiên cứu giải quyết thấu tình, đạt lý, tạo được sự đồng thuận của các bên cao hơn; việc bố trí kinh phí cho công tác hoà giải của chính quyền địa phương cũng được quan tâm. Số vụ kiện dân sự ra Toà án thụ lý, giải quyết giai đoạn 2019-2022: 154 vụ án Dân sự (tăng 30 vụ so với giai đoạn 2015-2018), số vụ án phức tạp về nội dung tranh chấp so với giai đoạn trước. Số vụ việc tranh chấp ra UBND cấp xã giai đoạn 2019-2022: 144 vụ việc (giảm 63 vụ việc so với giai đoạn 2015-2018). Số vụ việc hoà giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2022: 2.032 vụ, việc (giảm 2.366 vụ, việc so với giai đoạn 2015-2018). Thực hiện tiếp nhận 2.032 vụ việc hoà giải ở cơ sở; trong đó: hoà giải thành là 1.532 vụ, việc (chiếm 75,5%); hoà giải không thành là 451 vụ, việc (chiếm 22,1%); số vụ, việc chưa hoà giải là 49 vụ, các vụ việc tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; đất đai...
Để tìm ra khó khăn, vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện; hàng năm Sở Tư pháp đã tiến hành lồng ghép kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án trong các đợt kiểm tra công tác tư pháp và kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó đề ra giải pháp tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến thực chất và hiệu quả hơn.
Với 03 năm triển khai thực hiện Đề án, đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; việc lựa chọn, giới thiệu thành viên tham gia tổ hòa giải được tiến hành trên cơ sở đánh giá, nhận xét về năng lực, phẩm chất, thái độ, tinh thần tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương; uy tín của cá nhân đã giúp cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở ngày càng chất lượng; Kết quả trên cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở lan toả, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là:
Thứ nhất, trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa đồng đều, còn hạn chế.
- Thứ hai, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các thành viên của Mặt trận đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thật sự chặt chẽ và thường xuyên; một số tổ chức thành viên chưa phát huy vai trò phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở.
- Thứ ba, việc tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên chưa được thường xuyên.
- Thứ tư, kinh phí bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ trích một phần rất nhỏ từ nguồn kinh phí dành cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật để chi trả thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc hoà giải ở cơ sở; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải, như: Sao chụp tài liệu, mua văn phòng phẩm, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải, nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên. Chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thực chất và hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tới, cần tăng cường một số giải pháp sau đây:
- Một là, Tiếp tục quán triệt, phổ biến, truyền thông về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác hòa giải.
- Hai là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hoà giải ở cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động này.
- Ba là, Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải.
- Bốn là, Quan tâm các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, phương thức hoạt động hòa giải, cách làm hay hiệu quả...như việc tổ chức Hội thi hoà giải viên...
- Năm là, Bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là cấp huyện và cấp xã.
- Sáu là, Kịp thời biểu dương, khen thưởng để động viên, khích lệ các hòa giải viên ở cơ sở luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Nông Thị Việt Triều
Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn