Để đảm bảo công tác triển khai được thực hiện một cách thống nhất và đồng bộ, ngay từ đầu năm 2022, Hội đồng PBGDPL các cấp của tỉnh đã tiến hành củng cố, kiện toàn. Trong đó. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã được kiện toàn với 42 thành viên, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố có 226 thành viên. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động và có sự phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên. Vì vậy, chất lượng công tác phối hợp giữa các thành viên của Hội đồng đã phát huy hiệu quả tối đa. Ở cấp huyện, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch PBGDPL năm 2022 với việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nội dung những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm và các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Trong công tác tuyên truyền miệng, các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật có vai trò tích cực, góp phần quan trọng vào việc đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Toàn tỉnh hiện có 48 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 184 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.362 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.674 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 1.395.869 lượt người tham dự.
Sở Tư pháp duy trì tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và người dân trên địa bàn các xã thuộc 02 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, với trên 450 đại biểu tham dự. Ngoài ra, Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó, đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 02 Hội nghị giới thiệu, tập huấn văn bản pháp luật mới cho hơn 200 đại biểu là cán bộ chủ chốt của tỉnh và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thực hiện theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/ 2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Một số địa phương đã chủ động triển khai khảo sát, hướng dẫn UBND cấp xã rà soát, tự đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 130/136 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chưa tính 04 xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa). Trong năm 2022, toàn tỉnh có 04 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và tất cả các xã đăng ký đều được công nhận hoàn thành tiêu chí 18.4 về chuẩn tiếp cận pháp luật.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được các địa phương quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho hoạt động của tổ hòa giải. Năm qua, 976 tổ hòa giải với 4.846 hòa giải viên trong tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải 477 vụ, hòa giải thành 408 vụ (đạt tỷ lệ 85,53%). Qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp người dân thêm hiểu biết pháp luật, bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội và hạn chế đơn thư khiếu nại, khiếu kiện ngay từ cơ sở.
Đặc biệt, chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL), các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rà soát các sách, tài liệu pháp luật do cơ quan, đơn vị biên soạn và sách, tài liệu pháp luật có bản quyền; dự kiến sách, tài liệu cần số hóa, cập nhật trên dữ liệu thành phần về sách, tài liệu pháp luật của ngành, địa phương tại TSPL điện tử quốc gia theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg.
Công tác trang bị TSPL thường xuyên được cơ quan, đơn vị và Hội đồng PBGDPL cấp huyện quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều được trang bị TSPL. Các cơ quan đã bố trí TSPL tại phòng truyền thống của đơn vị hoặc tại phòng chuyên môn. TSPL ngày càng được củng cố, kiện toàn với số lượng tủ sách hiện nay là 960 TSPL với trên 211.808 đầu sách. Ngoài ra, mô hình kệ sách pháp luật đang được nhân rộng ở các địa phương…
Nói về công tác PBGDPL của địa phương trong thời gian tới, ông Đặng Văn Khánh – Phó Giám đốc Tư pháp cho biết: Sở sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để kịp thời tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 với đầy đủ các nội dung theo quy định, phù hợp thực tiễn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện đúng tiến độ kế hoạch chung, nhất là chú trọng đến việc phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả từ cơ sở để phát huy hơn nữa kết quả công tác PBGDPL của địa phương, góp phần tích cực cùng toàn ngành tư pháp hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.
Đặng Hữu