Để giúp cho đội ngũ hòa giải viên, tập huấn viên nắm vững kiến thức, kỹ năng hòa giải các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng tài liệu bồi dưỡng kỹ năng hòa giải ở cơ sở, tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tổ chức, lồng ghép tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 716 tổ hòa giải với 4.715 hòa giải viên. Mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải, số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải là khác nhau đảm bảo mỗi tổ hòa giải có từ 05 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên là nữ. Việc thường xuyên kiện toàn các tổ hòa giải, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ cho các hòa giải viên đã góp phần nắm bắt, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong quần chúng nhân dân, góp phần phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Từ năm 2019-2022, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành hoà giải 3.731 vụ việc; hòa giải thành 2.735 vụ việc (tỷ lệ 73.3%).
Trong giai đoạn 2019-2022, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, điều đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và hiệu quả của Đề án nói riêng. Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở cũng như triển khai tốt các nội dung Đề án đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, góp phần to lớn trong việc xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm, hạn chế vi phạm pháp luật, thúc đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật