Để giải quyết được vấn đề trên, tỉnh Quảng Ngãi xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, với phương châm: muốn pháp luật được thực hiện trên thực tế thì trước hết phải hiểu biết pháp luật. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được Sở Tư pháp (là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) quan tâm tham mưu các cấp lãnh đạo, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt cho đối tượng thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 về Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đến tháng 06/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện đề án này đến năm 2020 (Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 08/6/2018). Công tác PBGDPL cho đối tượng thanh thiếu niên luôn được tỉnh chú trọng, hết mực quan tâm, chỉ đạo cho đến nay.
Đối với cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc các thành viên Hội đồng thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và cơ quan, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật: triển khai các phong trào học tập pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên.
Về nội dung pháp luật phổ biến, giáo dục cho thanh thiếu niên
Nội dung pháp luật chủ yếu phổ biến, giáo dục cho thanh thiếu niên là Hiến pháp, pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật về giao thông, pháp luật về phòng, chống ma túy, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về biển, đảo, pháp luật về môi trường, pháp luật về mua bán người,…
Ngoài ra, nội dung thanh thiếu niên được phổ biến còn là thông tin một số chính sách liên quan đến thanh thiếu niên, thông tin tình hình tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, một số biện pháp phòng tránh tội phạm, một số kỹ năng để tuyên truyền pháp luật cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên hiện đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất phong phú, áp dụng tùy từng nhóm đối tượng cụ thể, tập trung áp dụng một số hình thức cơ bản sau:
- Tuyên truyền thông qua các hội nghị, các đợt tập huấn, các buổi tuyên truyền tại cơ sở: đây là hình thức được áp dụng thường xuyên nhất để phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.
- Tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan như: xây dựng bảng tuyên truyền, pano kết hợp giữa hình ảnh và những quy định của pháp luật đặt tại các tuyến đường đông dân cư. Biên soạn và cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: hình thức này được thực hiện trên Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tập trung tuyên truyền, giải đáp trên các chuyên mục pháp luật; phát sóng, giới thiệu hàng tuần với hàng trăm tin bài tuyên truyền pháp luật và các chủ trương, chính sách của đảng, các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan đến thanh thiếu niên. Hiện nay, tất cả các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã có Trang tin điện tử, đây cũng là một trong những kênh hiệu quả trong việc tuyên truyền pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật cho thanh thiếu niên.
- Tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Đây là một trong những hình thức thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 06 cuộc thi cấp tỉnh bao gồm cuộc thi “Thanh niên tuyên truyền pháp luật giỏi”, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm xã hội”, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”, cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cuộc thi “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình”, cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự – năm 2017” thu hút hơn 70.000 thanh thiếu niên tham gia. Qua các cuộc thi đã tuyên truyền rộng rãi kiến thức, nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên, bồi dưỡng lực lượng tuyên truyền viên pháp luật thanh niên; tạo hiệu ứng sâu rộng trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng pháp luật của thanh thiếu niên.
- Tuyên truyền thông qua việc thành lập các câu lạc bộ pháp luật, đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả nhất cho đối tượng thanh thiếu niên. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng rất nhiều mô hình câu lạc bộ như: mô hình câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”; câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”,… để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhưng nổi bật và hiệu quả nhất là mô hình Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” với thành viên là thanh thiếu niên tại địa bàn cư trú và mô hình Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” với thành viên là thanh thiếu niên trong trường học. Thông qua 02 mô hình Câu lạc bộ pháp luật này, mà mỗi năm, Sở Tư pháp đã tiếp cận tuyên truyền cho hơn 10.000 thanh, thiếu niên, học sinh.
Kết quả thực hiện công tác này là: 82% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; 85% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hòa nhập tốt với cộng đồng.
Tuy nhiên, về hiệu quả thật sự thì chưa đạt như mong muốn như: đối tượng thụ hưởng từ công tác tuyên truyền phần lớn là thanh thiếu niên ngoan, tốt, ít vi phạm pháp luật; thanh thiếu niên thường vi phạm pháp luật thì khó tiếp cận; một số thanh niên chưa có ý thức tôn trọng pháp luật, vẫn cố tình vi phạm (đặc biệt là vi phạm pháp luật về giao thông).
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Một là, Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên; thường xuyên chỉ đạo và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, các đồng chí là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến địa phương.
Hai là, Lựa chọn, sáng tạo các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm ở cơ sở có sức hấp dẫn, quy tụ được nhiều thanh, thiếu niên tham gia để nhân rộng, từ đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình các mô hình này hoạt động. Qua cách làm này công tác tuyên truyền pháp luật sẽ tiếp cận được nhiều thanh, thiếu niên hơn. Tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa cho đối tượng thanh thiếu niên.
Ba là, Tăng cường lựa chọn, đào tạo, có chế độ bồi dưỡng hợp lý cho những thanh niên ưu tú, có năng lực thành những tuyên truyền viên pháp luật giỏi. Đội ngũ này sẽ chủ động tiếp cận những thanh, thiếu niên thường vi phạm pháp luật để cảm hóa, tuyên truyền. Đây là cách duy nhất để tiếp cận và dần dần thay đổi được ý thức cũng như hành vi của những thanh, thiếu niên hay vi phạm pháp luật.
Bốn là, Đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Hiện nay, hầu hết thanh, thiếu niên có tham gia mạng xã hội. Vì vậy, cần tận dụng những ứng dụng thông tin (như zalo, youtube, facebook…) để đăng thông tin, video, hình ảnh nhằm truyền tải thông điệp cần tuyên truyền đến thanh, thiếu niên.
Năm là, Cần đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời gắn với giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự giác, tự nguyện tìm hiểu, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên, học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh có như vậy đối tượng thanh thiếu niên mới dễ cảm nhận, dễ tiếp cận, dễ thay đổi hành vi./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật