Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, quán triệt công chức, viên chức trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của người dân; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tổng kết, rút kinh nghiệm công tác chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 bằng hình thức phù hợp và thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tự chấm điểm chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2023 đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định; tiếp tục chỉ đạo công chức phụ trách các lĩnh vực của cấp xã phối hợp chặt chẽ với công chức Tư pháp - Hộ tịch trong việc tổ chức thực hiện và đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, Long Khánh, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị; thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức; chỉ đạo thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về chuyên môn cho cán bộ, công chức; không để xảy ra việc cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp nói riêng và cán bộ, công chức cấp xã nói chung bị xử lý kỷ luật do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 162/170 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 08 đơn vị cấp xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định mới nên một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện; việc đánh giá, công nhận vẫn còn những hạn chế. Chính vị vậy trong thời gian tới các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này, đáp ứng nhu cầu về tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở, cũng như góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh./.
Đồng Hoa
Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai