Hội thi có sự tham dự của ông Lê Văn Phước - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức; ông Trương Hoàng Trọng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, Phó Trưởng Ban Tổ chức; Ông Cao Thanh Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban Tổ chức; Các đồng chí thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Hậu cần, Ban nội dung, Tổ thư ký và 11 đội dự thi đại diện cho 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hội thi được tổ chức nhằm giúp các hòa giải viên có dịp được tiếp xúc, trao đổi, rèn luyện và nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho Nhân dân, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hoà thuận, hạnh phúc cho từng cá nhân, gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà; góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Các đội tham dự Hội thi trải qua ba phần thi chính: Phần thi tự giới thiệu; phần thi xử lý tình huống; phần thi tiểu phẩm và màn chào hỏi. Trong đó, thông qua phần thi tự giới thiệu mỗi đội giới thiệu ngắn gọn về đội thi, đặc thù và tình hình công tác hòa giải của địa phương mình bằng các hình thức như: thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm... rất sinh động, hấp dẫn, thể hiện được nét riêng nổi bật của từng địa phương; phần thi xử lý tình huống giúp cho các hòa giải viên phải ôn luyện và tìm hiểu kỹ hơn các kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực hòa giải ở cơ sở; dân sự, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, đất đai… thông qua phầ thi này yêu cầu các thí sinh bằng những kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải của mình để vận dụng sáng tạo trong việc giải quyết các tình huống xảy ra, đồng thời các thí sinh phải liên hệ thực tiễn ở nơi cư trú, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, các đạo lý, phong tục, tập quán để giải quyết tình huống; phần thi kỹ năng hòa giải thông qua biểu diễn tiểu phẩm, các đội thi thể hiện phần thi của mình với những nội dung tiểu phẩm gắn liền với thực tiễn cuộc sống ở địa phương.
Kết thúc Hội thi Ban Tổ chức đã trao 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 05 giải khuyến khích. Đội tham dự Hội thi đến từ thành phố Long Xuyên đạt giải nhất; 02 giải nhì thuộc về đội đến từ huyện Châu Thành và thị xã Tân Châu; 03 giải ba thuộc về đội đến từ huyện Châu Phú, Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc; đội thi đến từ huyện Tri Tôn, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và thị xã Tịnh Biên đạt giải khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng đã trao 04 giải phụ gồm các giải như đội có phần thi tự giới thiệu ấn tượng nhất, thí sinh ứng xử hay nhất, thí sinh hòa giải ấn tượng nhất và thí sinh cao tuổi nhất.
Qua Hội thi góp phần đánh giá được thực trạng trình độ, năng lực của đội ngũ hòa giải viên của tỉnh, từ đó thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hòa giải. Kịp thời phát hiện những kinh nghiệm hay, những nhân tố mới, những điển hình xuất sắc trong hoạt động hòa giải để tiếp tục bồi dưỡng, phổ biến và nhân rộng.
Đồng thời, sau Hội thi, Sở Tư pháp sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cử các hòa giải viên có thành tích xuất sắc lập thành đội dự thi tham dự Hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức trong thời gian tới./.
Bích Ngọc