Qua 01 năm triển khai Đề án đã đạt được một số kết quả sau đây: Việc tổ chức quán triệt, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL do địa phương chủ trì xây dựng thuộc phạm vi của Đề án. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022-2027” (sau đây viết tắt là Đề án); Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1031/UBND-NCKSTTHC ngày 08/4/2022 chỉ đạo các Sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện quán triệt, triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2334/KH-UBND, ngày 21/7/2022 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và giao cho Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Đề án do địa phương chủ trì xây dựng.
Xác định đây là Đề án quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương nên UBND tỉnh chỉ đạo phổ biến, quán triệt ngay nội dung Đề án nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách, để đảm bảo, kể từ năm 2023 “100% chính sách của tỉnh có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL đến khi thông qua, ban hành văn bản QPPL”.
UBND tỉnh cũng xác định đối tượng truyền thông là các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các văn bản QPPL mà Luật Ban hành văn bản QPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; chính sách có tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; chính sách có tác động trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung truyền thông dự thảo chính sách phải bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động, bao gồm các vấn đề chủ yếu sau: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có). Hình thức truyền thông về dự thảo chính sách: Đối với các dự thảo chính sách thuộc đối tượng truyền thông, tài liệu truyền thông về dự thảo chính sách phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời khi gửi hồ sơ đề nghị tham gia góp ý kiến, thẩm định đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL và dự thảo văn bản QPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi tài liệu truyền thông về dự thảo chính sách đến Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp (gửi cùng với hồ sơ đề nghị tham gia góp ý kiến, thẩm định) để đăng tải trên chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật/Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Trang Fanpage Facebook của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh.
Đề án đã nêu rõ cách thức phối hợp truyền thông và tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản biện xã hội về dự thảo chính sách, pháp luật giữa cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản với các cơ quan thông tin, báo chí; việc bố trí bộ phận chuyên trách/cán bộ tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; đánh giá tác động, ý nghĩa của hoạt động truyền thông dự thảo chính sách mà cơ quan, đơn vị đã triển khai trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nêu rõ các cách làm hay, sáng tạo, kinh nghiệm tốt trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa phương và kinh phí để triển khai các hoạt động.
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh cũng có khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện Đề án vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, khá quan trọng và Đề án mới triển khai thực hiện, cần có thời gian để nhận diện những khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân để quán triệt thực hiện tại địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh luôn quan tâm, theo dõi chỉ đạo sát sao nội dung này.
Về giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới: (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình VBQPPL trong cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân bằng hình thức phù hợp. Gắn kết việc triển khai thực hiện Đề án với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. (2) Chủ động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong quá trình thực hiện, cần có địa chỉ, hình thức tiếp nhận phù hợp và thực hiện xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách trong báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo VBQPPL để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản./.
Hải Lam Tường
Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận