Ngày 03/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, nhằm tổ chức triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả cao; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chính sách tinh giản biên chế. Đồng thời, nhằm rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế. Yêu cầu gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai minh bạch và theo quy định của pháp luật. Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời đầy đủ theo quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể như: Về mực phạt tối ta, về thẩm quyền xử phạt, về hình hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng. Do đó, ngày 09/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2023, nhằm quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính, hình thức mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt để phù hợp với Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các luật có liên quan; tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về trồng trọt.
Với những ý nghĩa quan trọng đó và trước yêu cầu phổ biến tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các quy định pháp luật mới trên địa bàn tỉnh và Hội nghị cũng là dịp để báo cáo viên hai cấp trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các khó khăn và tiếp tục nghiên cứu để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân ở cơ sở và doanh nghiệp./.
Hải Lam Tường
Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận