Tham gia Hội thi lần này có 10 đội với 90 thành viên đại diện cho 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh - những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho 864 tổ hòa giải và 6.147 Hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh chính thức được công nhận và đi vào hoạt động một cách bài bản, nề nếp cách đây 25 năm kể từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành Pháp lệnh số 09 năm 1998 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Từ đó đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã không ngừng quan tâm việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao về chất lượng hoạt động của đội ngũ Hòa giải viên, nhất là sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 ra đời và có hiệu lực đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải trong đời sống hàng ngày của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Hàng năm, trung bình các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải thành trên 1.200 vụ, việc (đạt tỷ lệ 84% vụ, việc hòa giải thành). Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng đất đai, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giải phóng sức lao động thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… nên ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống hàng ngày của Nhân dân. Do đó, tổ chức và hoạt động hòa giải ngày càng được củng cố nâng cao vị trí, vai trò sát cánh cùng Nhân dân ở cơ sở và gánh vác trọng trách trong việc góp phần giữ gìn tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, xóm làng, cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; hạn chế đơn thư khiếu nại, tranh chấp phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cảm hóa phòng ngừa vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Nội dung Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh được tổ chức dưới hình thức "sân khấu hóa" xoay quanh các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, pháp luật về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…, kiến thức xã hội, hương ước, quy ước, đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của Nhân dân thông qua 03 (ba) phần thi là giới thiệu, kiến thức và tiểu phẩm.
Qua Hội thi là dịp để phát hiện, biểu dương các Hòa giải viên xuất sắc; tạo cơ hội cho các Hòa giải viên học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống cộng đồng dân cư; là kênh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến đông đảo tầng lớp Nhân dân gắn liền với đời sống hàng ngày một cách dễ hiểu, gần gũi và sâu sắc.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi huyện Văn Lâm; giải Nhì cho đội thi thành phố Hưng Yên và đội thi huyện Văn Giang; giải Ba cho đội thi huyện Kim Động, đội thi huyện Tiên Lữ và đội thi huyện Yên Mỹ; giải Khuyến khích cho đội thi huyện Ân Thi, đội thi huyện Phù Cừ, đội thi thị xã Mỹ Hào và đội thi huyện Khoái Châu. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao một số giải cho đội thi có phần thi giới thiệu ấn tượng nhất, xử lý tình huống xuất sắc nhất, Hòa giải viên khéo nhất. Trên cơ sở kết quả của Hội thi, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ chọn 01 đội thi để tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV trong thời gian tới./.
Cao Văn Hương
Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên