Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:
Trong công tác phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh đã quan tâm tổ chức 1.325 Hội nghị ở cấp tỉnh cho hơn 55.243 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện; đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ phòng Tư pháp; công chức Tư pháp - Hộ tịch; tuyên truyền viên pháp luật; hoà giải viên; người uy tín trong cộng đồng dân cư; tập huấn viên hòa giải và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tại cấp huyện, cấp xã đã tổ chức được 1.279 hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho hơn 51.192 lượt hoà giải viên và Nhân dân tham gia.
Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 206 cuốn “Sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở”; 1.292 cuốn “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” cho các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; triển khai bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp dành cho đội ngũ hoà giải viên và đội ngũ tập huấn viên hoà giải, đề nghị UBND cấp huyện phổ biến, quán triệt đến 100% hòa giải viên ở cơ sở; xây dựng Bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ hoà giải cấp phát đến cơ sở.
Về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở
Hằng năm, Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố hướng dẫn cấp cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng cấp tiến hành rà soát, thống kê, kịp thời kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.292 tổ hòa giải (trên tổng số 1.292 thôn, tổ phố) với 7.001 hòa giải viên. Theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2023, các tổ hoà giải đã tiếp nhận 7.898 vụ việc; tổ chức hoà giải thành 6.246 vụ, việc, đạt tỷ lệ 79%.
Đội ngũ tập huấn viên hoà giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Thực hiện Kế hoạch số 428/KH-UBND ngày 18/7/2019 về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, để nâng cao năng lực các hoà giải viên ở cơ sở, Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp cấp huyện đã tổ chức được 60 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở cho 2.487 hòa giải viên ở cơ sở; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 02 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng hòa giải, công tác trợ giúp pháp lý, công tác an ninh trật tự, công tác dân tộc cho người có uy tín, hòa giải viên cơ sở với 120 người tham dự.
Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại các huyện, thành phố. Từ năm 2015 đến nay, Sở Tư pháp đã kiểm tra 15 đơn vị; kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những mặt còn tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị.
Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác phối hợp với ngành Tư pháp trong hòa giải ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Hoạt động phối hợp được thực hiện thông qua cơ chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ các cấp và ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân và thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động ở khu dân cư; hoạt động của các tổ hòa giải được gắn liền với nhiệm vụ của thôn, tổ dân phố, khu dân cư nhân dân nên sát với thực tế; những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã được hòa giải nhanh chóng, kịp thời, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hằng năm, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện đến đoàn viên, hội viên của mình, như: xây dựng các bài viết, tuyên truyền, đưa tin, mở chuyên mục về hòa giải ở cơ sở đến đoàn viên, hội viên; cấp phát trên 1.800 tờ rơi; tổ chức được trên 4.500 buổi tuyên truyền lồng ghép thu hút 8.000 lượt đoàn viên, hội viên tham gia. Tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở lồng ghép trong các buổi giao ban, sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ được 485 buổi có 33.946 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. MTTQ các cấp đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp và các cơ quan chức năng tổ chức truyền thông cho tổ viên tổ hòa giải được 3.275 buổi, với 232.416 lượt hội viên Cựu chiến binh tham dự; phối hợp với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư của địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở với 5.136 buổi thu hút 302.979 lượt người tham dự; phối hợp với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia hòa giải 3.454/4.003 vụ việc…
Xác định được vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác này cũng như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; quan tâm, bảo đảm kinh phí và kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật