Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nhiệt huyết, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Những mâu thuẫn, khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm đã được các hòa giải viên tổ chức hòa giải, tạo thêm tinh thần tương thân tương ái, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đồng thời, tạo sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Toàn tỉnh đã hoà giải thành 10.209/14.017 vụ việc, đạt tỉ lệ 73%. Tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nên tỷ lệ hòa giải thành cao như các huyện: Bắc Sơn 83%; Cao Lộc 83%; Hữu Lũng 77%
[1]. Những mâu thuẫn nhỏ, những khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm đã được các hòa giải viên hóa giải góp phần tạo thêm tinh thần tương thân tương ái, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đồng thời, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-UBND, ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc quán triệt, triển khai việc tiến hành lựa chọn đơn vị chỉ đạo điểm, từ năm 2019, 11/11 huyện và thành phố đã lựa chọn mỗi huyện 2 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, tập trung vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Tại mỗi đơn vị cấp xã đã lựa chọn 2 tổ hòa giải để xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Thông qua hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến, hằng năm tiếp tục nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 161 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã được lựa chọn xây dựng đồng bộ, toàn diện góp phần cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác kiểm tra, giám sát đã được các cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị quan tâm, thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để ngày càng thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU và các văn bản pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở, ngày 29/12/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản số 1567/UBND-NC; trong đó, đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
- Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TU, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan; tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động hòa giải ở cơ sở; xây dựng Tổ hòa giải ở cơ sở thực sự là địa chỉ tin cậy của Nhân dân khi có vướng mắc, mâu thuẫn, tranh chấp ngay khi mới phát sinh.
- Thứ hai, thực hiện rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TU, ngày 12/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
(sau đây viết tắt là Kế hoạch số 03/KH-UBND) và nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 09/6/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Thứ ba, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số
170/2015/NQ-HĐND ngày 16/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 03/11/2020 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã tỉnh Lạng Sơn đối với các thủ tục hành chính lĩnh vực hòa giải ở cơ sở.
- Thứ tư, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở, kịp thời có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với các địa phương có tỷ lệ hòa giải thành thấp, cần kiểm tra, đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để có kế hoạch, giải pháp tháo gỡ, khắc phục, không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, không được hòa giải hoặc hòa giải không kịp thời dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự. Tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến” tại các địa phương.
- Thứ năm, giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cho các cơ quan, đơn vị khối tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn UBND cấp huyện bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí chi cho công tác hòa giải ở cơ sở.
-
Thứ sáu, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU và Kế hoạch số 03/KH-UBND, chú trọng nhiệm vụ củng cố, kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong lãnh đạo, quản lý hoạt động hòa giải ở cơ sở; chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.