Liên kết website

Nghệ An: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức phù hợp

23/08/2023

Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích 16.490,25 km2, dân số khoảng 3,4 triệu người, có 21 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 01 thành phố, 03 thị xã và 17 huyện. Là địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội đặc thù, “đất rộng, người đông”, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP đã tác động tích cực đến ý thức tuân thủ luật pháp của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (PBGDPL) tham mưu tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP cho các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế các Sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và cán bộ Phòng Tư pháp cấp huyện trên địa bàn tỉnh với hơn 400 người tham dự.
Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị đã lựa chọn nhiều hình thức phù hợp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật. Trong đó, Sở Tư pháp tổ chức 10 Hội nghị trao đổi, chia sẻ về các kỹ năng tuyên truyền pháp luật, trong đó có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên và nhân dân; biên soạn và cấp phát 6.800 tờ gấp tìm hiểu về Luật Tiếp cận thông tin tại các địa bàn trọng điểm; phát hành 2.000 cuốn bản tin Pháp luật và Đời sống số chuyên đề về Luật tiếp cận thông tin; biên soạn và cấp phát 700 cuốn sách hỏi đáp pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trong đó có quyền tiếp cận thông tin của công dân; biên soạn hơn 20 bản tin được sử dụng trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở với thời gian nhất định 1 ngày/lần, từ 10-15 phút để tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Sở Giao thông vận tải tổ chức 15 hội nghị tập huấn pháp luật về tiếp cận thông tin cho hơn 3.000 lượt người tham dự; in ấn, cấp phát 10.000 tờ rơi có lồng ghép các nội dung về quyền, nghĩa vụ về tiếp cận thông tin. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 01 lớp tập huấn tuyên truyền về Luật tiếp cận thông tin cho đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Sở, đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác truyền thông của các phòng giáo dục và đào tạo. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc thi trực tuyến “Hiểu biết về văn bản QPPL và nội quy, quy chế hoạt động; chương trình, kế hoạch của cơ quan” trên Cổng TTĐT của Sở, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến Luật tiếp cận thông tin…
Một số đơn vị còn thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua Hội nghị giao ban, thường xuyên duy trì sinh hoạt “Ngày pháp luật hàng tháng” để phổ biến nội dung của Luật Tiếp cận thông tin với sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ quan. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến còn được tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, các cuộc thi trực tuyến… đã mang lại hiệu quả truyền thông rất tích cực. Đó là, UBND tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cung cấp, sử dụng dịch vụ hành chính công” thu hút hàng triệu lượt người tham dự; tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về các quyền dân sự, chính trị”, với 233 tác phẩm kịch bản, tiểu phẩm dự thi trong đó có nhiều tác phẩm liên quan đến các quyền tiếp cận thông tin của công dân; tổ chức Hội thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi”... Kết quả các cuộc thi đã tạo được sức lan tỏa, có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động tuyên truyền, PBGDPL nói chung và tuyên truyền Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP nói riêng.
Từ ngày 1/7/2018 đến ngày 30/6/2021, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 60.160 yêu cầu cung cấp thông tin với hình thức chủ yếu là trực tiếp đến tại trụ sở cơ quan nhà nước. Tổng số thông tin được cung cấp theo yêu cầu là 58.947 thông tin, trong đó, trực tiếp tại trụ sở là 51.718 cuộc, cung cấp thông tin qua mạng điện tử là 4.708 cuộc, cung cấp thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax là 2.521 cuộc.
Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt là việc cung cấp thông tin trong lĩnh vực hành chính. UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm phục vụ Hành chính công là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả của 1.326 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của 18 Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và ba cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương. Công tác văn thư lưu trữ, thống kê được củng cố, kiện toàn; tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu.
UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh cập nhật, đăng tải đầy đủ, công khai các thông tin có liên quan hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh cần lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thủ tục hành chính; cung cấp các dịch vụ công... Đặc biệt, chuyên mục “Hỏi-Đáp” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Việc bố trí cán bộ đầu mối, nguồn nhân lực bảo đảm phục vụ công tác tiếp cận thông tin được quan tâm thực hiện. Tại cấp tỉnh: Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin do UBND, Chủ tịch UBND tỉnh tạo ra; đối với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh đã bố trí cán bộ làm đầu mối cung cấp thông tin; đồng thời công khai thông tin liên hệ của cán bộ làm đầu mối cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình. 
Tại cấp huyện: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện được giao làm đầu mối cung cấp thông tin, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều bố trí 01 cán bộ phụ trách kiêm nhiệm phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin của công dân. 21/21 đơn vị cấp huyện đã công khai thông tin liên hệ của người làm đầu mối cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình. 
Ngày 08/5/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3045/UBND-TH về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin, trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, bảo đảm đầy đủ các nội dung của quy chế theo quy định tại điều 34 của Luật. Đến nay, một số các cơ quan, đơn vị trên địa tỉnh đã ban hành Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin hoặc lồng ghép trong hệ thống quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã cập nhật, đăng tải Danh mục thông tin được công khai theo Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin và Danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện theo điều 7 Luật Tiếp cận thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tra cứu và sử dụng. Đối với UBND xã, phường, thị trấn chưa có cổng/trang thông tin điện tử thì Danh mục thông tin được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc hoặc tại nhà văn hóa khối, xóm
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là các huyện miền núi thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân sinh sống tại khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Tại cấp tỉnh, các sở, ban, ngành đã tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin cho nhóm đối tượng nên trên bằng nhiều hình thức như: tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động; lồng ghép cung cấp thông tin qua các hội nghị tập huấn; cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí; xây dựng phim tài liệu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quy trình, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP còn phức tạp, gây mất thời gian; việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm…
Thời gian tới, tỉnh đề xuất Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân theo hướng đơn giản hóa thủ tục. Đồng thời, quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện của người làm đầu mối cung cấp thông tin; các chế tài đánh giá, bình xét và xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin theo quy định của Luật nhằm nâng cao và phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hoạt động cung cấp thông tin…
Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghê An
Các tin đã đưa ngày: