Liên kết website

An Giang: 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

20/08/2023

Sau 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở được ban hành năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần to lớn vào việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; tạo thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, giảm tải áp lực giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền cấp trên.

Xuất phát từ tầm quan trọng đó, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang rất quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở, đã chỉ đạo thực hiện một cách sát sao. Qua đó, đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
 - Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành và ban hành theo thẩm quyền tổng số 72 văn bản để triển khai thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang[1]. Riêng trên địa bàn cấp huyện, để triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành tổng số 608 văn bản (502 kế hoạch, 78 Công văn và 28 Quyết định) nhằm thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về hòa giải cơ sở luôn luôn được chú trọng và triển khai kịp thời, sâu rộng cho đội ngũ làm công tác hòa giải cơ sở và Nhân dân trên địa bàn cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 16.478 đợt tuyên truyền pháp luật, phổ biến trực tiếp với 1.373.913 lượt người tham dự. Nội dung tập huấn gồm các lĩnh vực: Luật Hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật…
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức 03 Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh An Giang với trên 439 lượt người dự; tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 12 Hội thi Hòa giải viên giỏi với 2.015 lượt người tham dự. Các Hội thi đã góp phần nâng cao nghiệp vụ hòa giải, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật mang lại ý nghĩa và hiệu quả lớn tác động sâu rộng đến quần chúng Nhân dân.
Hằng năm, Sở Tư pháp An Giang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, củng cố, kiện toàn tập huấn viên về hòa giải ở cơ sở đảm bảo đúng thành phần theo quy định. Hiện nay, có 05 Tập huấn viên cấp tỉnh và 72 Tập huấn viên cấp huyện. Bên cạnh đó, để giúp củng cố kiến thức, phương pháp về việc hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, Sở Tư pháp đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho Tập huấn viên tại Hội trường Sở Tư pháp với hơn 223 lượt người tham dự.
Từ đó, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải viên ở cơ sở được tổ chức một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức 51 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra hằng năm với hơn 5.261 lượt Hòa giải viên tham dự. Riêng địa bàn cấp huyện tổ chức 167 lớp tập huấn nghiệp vụ Hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên trên địa bàn với tổng số 20.460 lượt người tham dự.
- Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành kế hoạch về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Kết quả, qua 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, đã tổ chức 10 đợt kiểm tra, mỗi đợt từ 4 - 6  đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh[2]; riêng các huyện, thị xã, thành phố tự tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở được đối với đơn vị cấp xã được 857 lượt[3].
- Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch và văn bản hướng dẫn thực hiện tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hòa giải cơ sở. Cụ thể, đã tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (vào năm 2016), sơ kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở (vào năm 2018), thực hiện Tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” (vào năm 2022).
Việc tổng kết đánh giá những kết quả đã làm được để tiếp tục phát huy; rút kinh nghiệm và khắc phục những mặt chưa làm được; đề xuất phương hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Bên cạnh đó, tổ chức khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và đặc biệt là việc kiện toàn các tổ hòa giải để xét tặng kỷ niệm chương cho cá nhân, tập thể nhiều năm liền gắn bó với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Kết quả, trong 10 năm thực hiện, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 130 tập thể, 104 cá nhân và tặng 4 cờ thi đua cho 4 tập thể đạt thành tích cao trong công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, để ghi nhận những đóng góp, kết quả đạt được của địa phương và các tổ hòa giải, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã quyết định tặng giấy khen cho 410 tập thể, 396 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Tư pháp cũng tặng giấy khen cho 30 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
- Công tác rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng quan tâm. Hàng năm, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành công văn hướng dẫn, củng cố, kiện toàn các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh nhằm chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, củng cố các tổ hòa giải cũng như hướng dẫn việc cơ cấu Hòa giải viên trên địa bàn theo đúng thành phần, quy định. Tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn hằng năm nhằm đảm bảo: Số lượng; Cơ cấu thành phần theo quy định và trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Hiện nay, toàn tỉnh có 879 Tổ Hòa giải với 5.285 Hòa giải viên, các hòa giải viên đều được Nhân dân bầu theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong đó, có 308 Hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Thị xã Tân Châu. Số lượng thành viên tổ hòa giải từ 05 - 09 người, gồm: Trưởng, phó Khóm, ấp; Ban công tác Mặt trận, đoàn thể ấp; Chức sắc tôn giáo; Người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 5,8%; hòa giải viên nữ chiếm tỷ lệ 27,15%, bảo đảm tất cả các tổ hòa giải đều có nữ.
Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành và tổ chức thực hiện, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải tổng số 27.740 vụ việc, hòa giải thành 25.247 vụ, đạt tỷ lệ hoàn giải thành bình quân 91%. Nội dung hòa giải chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình (chiếm tỷ lệ 69%), lĩnh vực khác (chiếm 31%) trên tổng số các vụ, việc.
- Kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2015/NQ-HĐND ngày 09/7/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 08/9/2015 quy định mức chi bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua đó, quy định chi 200.000 đồng/vụ hòa giải thành; 150.000 đồng/vụ hòa giải 03 lần nhưng không thành; 100.000đ/tháng/tổ chi phí hoạt động của Tổ hòa giải.
- Về cơ sở vật chất, hiện nay, đa số các hòa giải viên ở cơ sở đều là đoàn viên, hội viên chi hội đoàn thể của khóm, ấp nên cơ sở vật chất tại trụ sở các văn phòng khóm, ấp như địa điểm sinh hoạt, bàn, ghế, máy vi tính, tủ sách pháp luật… đều được kết hợp sử dụng cho công tác hòa giải ở cơ sở. Đã bố trí cho 01 tổ hòa giải 01 kệ sách pháp luật, cập nhật những Luật mới có hiệu lực và những tài liệu tập huấn do Phòng Tư pháp và Sở Tư pháp cung cấp để hỗ trợ hòa giải viên nhằm nâng cao năng lực và trình độ kiến thức pháp luật để phục vụ cho công tác hòa giải.
- Huy động nguồn lực xã hội về con người cho công tác hòa giải ở cơ sở: Trong mỗi tổ hòa giải, nòng cốt là sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể như: Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi …. tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương[4].
Nhìn chung, trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, với ý nghĩa là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết gắn bó cộng đồng dân cư, đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội... hạn chế đơn thư khiếu nai, tố cáo đến cơ quan thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí của người dân và Nhà nước.
Hoa An

[1] Bao gồm: 01 Chương trình, 01 Chỉ thị, 02 Nghị quyết, 02 Quyết định, 50 Kế hoạch, 16 Công văn, hướng dẫn.
[2] Có tổng số 53 lượt đơn vị cấp huyện được kiểm tra.
[3] Số liệu được tổng hợp từ 11 huyện thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
[4] Cụ thể: có 879 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 410 hội viên Hội Luật gia được công nhận là hòa giải viên ở các tổ hòa giải và 600 hòa giải viên là cán bộ Hội phụ nữ các cấp.
Các tin đã đưa ngày: