Liên kết website

Thanh Hoá: Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức và nội dung phù hợp

21/09/2023

Việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) dưới nhiều hình thức và nội dung phù hợp với trình độ dân trí ở từng vùng, từng địa phương đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Bám sát nội dung, định hướng của các cơ quan thành viên hội đồng PBGDPL cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và Nhân dân bằng các hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức các hội nghị phổ biến thông tin pháp luật trực tiếp hoặc trực tuyến; các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn phát hành tài liệu, xây dựng các bản tin, chương trình, phóng sự pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng... Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các văn bản luật mới, như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra... cho cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 1.928 hội nghị cho 396.311 lượt người. Riêng Sở Tư pháp đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và một số ngành tổ chức triển khai thực hiện 16 hội nghị tại các huyện Ngọc Lặc, Nông Cống, Thọ Xuân, Như Xuân, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Lang Chánh... để tập huấn nghiệp vụ, pháp luật cho 4.840 đại biểu là cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên cơ sở, cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương biên soạn, cấp phát miễn phí 372.818 tài liệu với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu, được đông đảo quần chúng Nhân dân tiếp nhận đón đọc, tìm hiểu. Nhiều cơ quan thành viên hội đồng phối hợp đã tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, triển khai và vận dụng ưu thế của internet. Thường xuyên cập nhật và đăng tải nội dung các văn bản luật trên trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Thanh Hóa, trang thông tin điện tử của đơn vị, trên fanpage... để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân/tổ chức có liên quan dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin. Ngoài tuyên truyền qua hội nghị, ứng dụng công nghệ thông tin, các sở, ngành, đơn vị, địa phương còn phổ biến pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết, thi trực tuyến hoặc sân khấu hóa, với tổng số 50 cuộc thi, thu hút gần 11.000 người tham gia.

Phù hợp từng địa bàn, đối tượng

Căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, đối tượng để có những phương pháp tuyên truyền phù hợp. Với đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa"; “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2018-2025”; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025... Ngoài ra, Ban Dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện miền núi tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với diễn văn nghệ, tiểu phẩm... đến cán bộ và Nhân dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông cho 439 đại biểu là cán bộ, công chức xã và người dân tại các xã, bản đồng bào Mông của huyện Mường Lát; 3 hội nghị tuyên truyền cho 396 đại biểu là người có uy tín tại các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Quan Hóa...
Đối với cán bộ và Nhân dân vùng ven biển, Sở Ngoại vụ đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác bảo hộ công dân thực hiện thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hiệp quốc; cấp phát trên 600 bộ tài liệu bao gồm sách và các băng đĩa tuyên truyền pháp luật. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ, Nhân dân ở khu vực biên giới biển và ngư dân đi biển dài ngày mỗi tháng 1 lần; tổ chức sinh hoạt định kỳ ở các đồn, hải đội biên phòng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 9 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho gần 800 cán bộ, ngư dân tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển; in và treo 110 băng zôn, tờ phướn tại các cảng cá, khu neo đậu tàu cá; cấp phát 13.000 tờ rơi cho ngư dân các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 1 lớp tập huấn cho gần 100 chủ tàu cá trên địa bàn huyện Hậu Lộc về công tác bảo đảm an toàn thông tin trên biển.
Với người lao động trong các doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn lao động....đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2023 với sự tham gia của 50 doanh nghiệp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 108 hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cho trên 12.370 lượt người; đăng tải gần 30 tin, bài có nội dung liên quan đến các văn bản QPPL mới ban hành, các văn bản QPPL quan trọng còn hiệu lực thi hành về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội...
Tại các cơ sở giáo dục, 100% nhà trường thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học môn giáo dục công dân theo hướng cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. Tổ chức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp bằng các hình thức như: kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, tích cực sưu tầm các tài liệu, hình ảnh minh họa, ví dụ thực tiễn cho từng tiết học, cung cấp kiến thức mang tính thực tiễn, gần gũi với đời sống hàng ngày...
Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2027”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên. Tổ chức 10 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của trên 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên.
Các hoạt động trên đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong các nhà trường. Qua đó, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu kiện, tranh chấp, bảo đảm ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Phạm Thanh Sơn
Sở Tư pháp Thanh Hóa

Các tin đã đưa ngày: