Liên kết website

Nhiều kết qủa tích cực trong công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

21/11/2023

Trong những năm qua công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được các cấp, các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy công tác hòa giải luôn được quan tâm sâu sát. Nhìn chung hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, tỉnh Thanh Hoá đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã thực hiện hòa giải cho 45.654 vụ việc trong đó số vụ hòa giải thành là 36.477 đạt tỷ lệ 80%, toàn tỉnh hiện nay có 4.322 tổ hòa giải với 26.607 hòa giải viên. Nhìn chung hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, UBND các cấp ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác hòa giải được các cấp, các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy công tác hòa giải luôn được quan tâm sâu sát. Qua triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được các mục tiêu đề ra, cụ thể như sau: Đội ngũ hòa giải viên đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình khung của Bộ Tư pháp; 100% hòa giải viên được nghiên cứu, cập nhật bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; 100% hòa giải viên được cung cấp các tài liệu về hòa giải và các văn bản liên quan. Hàng năm các hòa giải viên được kiện toàn đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định.
Trong 10 năm qua toàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 28 Hội nghị quán triệt triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; 3.412 Hội nghị tuyên truyền tập huấn bồi dưỡng pháp luật cho 305.075 lượt người tham dự và hơn 70.000 buổi tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cho người dân trực tiếp nghe.

Sở Tư pháp Thanh Hoá đã biên soạn và phát hành hơn 30.000 cuốn kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; trang bị miễn phí 4.366 cuốn Sổ theo dõi hoạt động Hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa; in và cấp phát hơn 35.000 cuốn tài liệu đề cương giới thiệu các văn bản pháp luật mới; 500.000 tờ gấp liên quan đến lĩnh vực hòa giải ở cơ sở như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai.. để cấp cho cán bộ làm công tác quản lý hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã biên soạn phát hành hàng chục nghìn tài liệu tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến hòa giải ở cơ sở cấp phát trên toàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã cấp phát gần 125.5000 cuốn tài liệu tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Công tác hòa giải được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên nâng lên, hiểu rõ tầm quan trọng của hòa giải cơ sở trong việc đảm bảo tình hình trật tự, an toàn xã hội, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư tại địa phương. Nội dung các vụ, việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư chủ yếu là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế, các mâu thuẫn, xích mích trong đời sống. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Để góp phần bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hòa giải trong nhiều lĩnh vực như: Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật Hình Sự; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình...giúp các hòa giải viên tự tin và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình; đồng thời giúp chính quyền cơ sở, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về việc tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Ban tổ chức cuộc thi tỉnh ban hành Thể lệ số 711/TL-BTC ngày 10/6/2013 về Cuộc thi "Tìm hiểu về hòa giải ở cơ sở" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và tổ chức phát động cuộc thi ở 3 cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh). Tham dự cuộc thi có hơn 9.435 bài dự thi của hòa giải viên thuộc 6.040 tổ hòa giải được đầu tư công phu, áp dụng nhiều văn bản pháp luật để viện dẫn trong từng trường hợp cụ thể, nhiều bài thi có hình ảnh minh họa chân thực, sinh động, nêu lên được nhiều giải pháp cụ thể, sát thực, khả thi trong quá trình tham gia hòa giải.

Công tác kiện toàn, củng cố và tập huấn nghiệp vụ cho các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên luôn được thực hiện kịp thời. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, quy tụ được lực lượng nòng cốt, người có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư. Các tổ hòa giải ở cơ sở đều thực hiện đúng quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các tổ hòa giải được kiện toàn theo thôn, xóm, tổ dân phố (trung bình mỗi thôn, phố một tổ hòa giải) đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn; thành phần Tổ hòa giải là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; cán bộ MTTQ, thanh niên, phụ nữ, già làng, chức sắc tôn giáo; đa số tổ trưởng Tổ hòa giải là Bí thư chi bộ kiêm nhiệm. Các tổ hòa giải đã kiện toàn thành viên nữ tham gia; đối với những địa phương có người dân tộc sinh sống đã bổ sung thành viên tổ hòa giải là người dân tộc tham gia thành viên tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hòa giải ở cơ sở còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị địa phương, như: Thông qua đăng tải tuyên truyền các tin bài trên các phương tiện, thông tin đại chúng; thông qua loa truyền thanh cơ sở với các chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “hỏi đáp chính sách pháp luật”; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, lồng ghép trong các lễ hội truyền thống, các cuộc họp, hội nghị giao ban công tác của cơ quan, đơn vị các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên là một trong những vấn đề cần thiết. Để tăng cường hiệu quả tập huấn, nội dung bài giảng được đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ thông tin kết hợp hình ảnh, văn bản… tạo ra sự sống động, dễ tiếp thu, dễ nhớ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời hướng dẫn hòa giải viên chủ động truy cập vào các trang website như: Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Trang thông tin về pháp luật để nghiên cứu các văn bản luật khi cần thiết.
Nhìn chung, công tác phổ biến, truyền thông Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều các hình thức đa dạng, phong phú, góp phần đưa việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đạt kết quả. Có thể nhận thấy, một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra sau hơn 10 năm thi hành Luật hòa giải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải xác định đó là sự quan tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp tốt của Ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là các cơ quan, đoàn thể cơ cấp xã; Trong đó vai trò công tác tham mưu là hết sức quan trọng để đảm bảo nhiệm vụ được hiện đầy đủ, đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

Các tin đã đưa ngày: