Liên kết website

An Giang: Củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên là chìa khóa thành công của công tác hòa giải ở cơ sở

15/12/2023

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ cao trong cả nước, trung bình đạt 89% trong 10 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, An Giang đã có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc hòa giải. Công tác hòa giải ở cơ sở được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời để củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành của tỉnh và các tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo việc bầu Hòa giải viên ở cơ sở kết hợp với bầu Trưởng khóm, ấp. Do đó, Tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn thường xuyên, đảm bảo số lượng, cơ cấu thành phần theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 879 Tổ hòa giải với 5.271 Hòa giải viên, các hòa giải viên đều được Nhân dân bầu theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong đó, có 300 Hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, 500 Hòa giải viên có trình độ từ trung cấp Luật trở lên, 879 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 410 hội viên Hội Luật gia được công nhận là hòa giải viên và 600 hòa giải viên là cán bộ Hội phụ nữ các cấp.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở được thực hiện thường xuyên. Trong 10 năm qua, Sở Tư pháp tỉnh An Giang đã tổ chức 51 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với hơn 5.261 lượt Hòa giải viên tham dự. Tại cấp huyện, tổ chức 167 lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên trên địa bàn với tổng số 20.460 lượt người tham dự.
Nhiệm vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở được chú trọng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã phát động các phong trào như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng khóm, ấp và địa bàn dân cư; phong trào “Toàn dân đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự”; phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; mô hình “Ấp tự quản về an ninh trật tự”… Các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình mời hội viên Hội Luật gia cấp xã, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các vị giáo cả trong cộng đồng dân tộc,… tham gia vào quá trình hòa giải. Các mô hình “Hội viên Chi hội Luật gia tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở”, mô hình “dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải, mô hình “Tổ Hòa giải điển hình ấp” trên địa bàn cấp huyện... hoạt động hiệu quả, thực chất, đồng thời phục vụ cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương. Một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng có cách làm nổi bật như: Phòng Tư pháp thị xã Tân Châu phối hợp với Tòa án nhân dân thị xã Tân Châu phân công các Thẩm phán phụ trách địa bàn trực tiếp hỗ trợ Tổ hòa giải khi có yêu cầu và cung cấp số điện thoại của Thẩm phán phụ trách địa bàn, tạo hội nhóm để kịp thời tư vấn cho Tổ hòa giải. Hàng quý, UBND cấp xã tổ chức họp với Chi hội Luật gia và các Tổ Hòa giải viên để trao đổi kinh nghiệm, cách xử lý tình huống pháp luật phát sinh trên thực tế... Các phong trào và mô hình đã góp phần làm cho công tác hòa giải trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả.
Với mục đích tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải của các hòa giải viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hòa giải ở cơ sở, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức thành công 03 Hội thi Hòa giải viên giỏi với trên 439 lượt người dự; tại các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 12 Hội thi Hòa giải viên giỏi với 2.015 lượt người tham dự.
Từ 2014, tỉnh An Giang thực hiện phát động phong trào thi đua trong công tác hòa giải ở cơ sở, tổ chức khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất xuất trong công tác hòa giải ở cơ sở và đặc biệt là việc kiện toàn các tổ hòa giải để đề nghị xét tặng kỷ niệm chương cho cá nhân, tập thể nhiều năm liền gắn bó với hoạt động hòa giải ở cơ sở. Kết quả, giai đoạn 2014 -2023, có 130 tập thể, 104 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, 04 Cờ Thi đua cho 04 tập thể dẫn đầu. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã quyết định tặng giấy khen cho 410 tập thể, 396 cá nhân; Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen cho 30 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Nhờ việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên mà An Giang có tỷ lệ hòa giải thành cao. Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014), đến nay, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải tổng số 27.740 vụ việc, hòa giải thành 25.247 vụ, đạt tỉ lệ hòa giải thành bình quân 89%.
Có thể thấy, việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở của tỉnh An Giang đã động viên, khích lệ đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở. Những tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ở địa phương đã kịp thời được đội ngũ hòa giải ở cơ sở giải quyết với tỷ lệ hòa giải thành luôn ở mức cao, đã góp phần thiết thực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: