Hiện nay, thành phố Biên Hòa có 203 tổ hòa giải với 1.191 hòa giải viên, huyện Long Thành có 81 tổ hòa giải với 457 hòa giải viên. Việc lựa chọn 02 địa phương nêu trên để thực hiện thí điểm là phù hợp với tình hình thực tế vì đây là 2 địa phương có đông hội viên Hội Luật gia. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2024, 100% tổ hòa giải tại 2 địa phương này có ít nhất 01 hội viên Hội Luật gia (hoặc hội viên danh dự) trong 01 Tổ hòa giải.
Kế hoạch đã xác định 5 nhóm công việc cần thực hiện là: Rà soát tình hình số lượng, thành phần của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa; huy động đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật gia nhập Hội luật gia; huy động đội ngũ hội viên Hội luật gia vào các tổ hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở (sau khi được kiện toàn); báo cáo kết quả thực hiện mô hình.
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện mô hình. Đồng thời, đề nghị Hội Luật gia tỉnh chủ trì, hướng dẫn thủ tục kết nạp hội viên Hội Luật gia và cùng với Đoàn Luật sư tỉnh có giải pháp huy động đội ngũ luật gia, luật sư tích cực tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở.
Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình, tỉnh sẽ xác định việc tiếp tục nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh nếu phù hợp và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ luật gia vào công tác hòa giải ở cơ sở một cách có hiệu quả./.
Đồng Hoa
Sở Tư pháp Đồng Nai