Tham dự và chủ trì Chương trình có ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án EU JULE, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các chuyên gia, đại diện lãnh đạo một số đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh công tác hỗ trợ các nhóm yếu thế luôn là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, với đặc thù của Việt Nam, những nhóm người yếu thế trong xã hội chiếm con số không nhỏ và đặt ra thách thức rất lớn cho công tác PBGDPL.
Do đó, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc mong muốn buổi Toạ đàm sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân và nhóm yếu thế.
Báo cáo tóm tắt đánh giá nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa cho biết, năm 2019, Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) đã phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, tiến hành khảo sát thực trạng nhận thức và nhu cầu hiểu biết pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số (DTTS)… tại 06 tỉnh: Hà Giang, Hoà Binh, Thanh Hoá, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp, để từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao nhận thức pháp luật, đáp ứng tốt hơn nhu cầu pháp luật của các nhóm này.
Kết quả khảo sát cho thấy, khả năng tiếp nhận thông tin pháp luật của người DTTS, người nghèo phụ thuộc vào các hoạt động PBGDPL; nhận thức chung của người dân tham gia khảo sát về các quyền cơ bản và các quyền dân sự nói chung khá tốt, tuy nhiên nhận thức về độ tuổi trẻ em và một số quyền của trẻ em còn khá hạn chế. Người dân tại các địa bàn khảo sát có nhu cầu pháp luật lớn nhất là tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo.
Một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân tại cùng địa bàn khảo sát; nhu cầu của người dân địa phương về nội dung PBGDPL chưa được đánh giá thấu đáo và toàn diện. Người dân có xu hướng nhờ hoà giải viên ở cơ sở và cán bộ địa phương làm bên thứ ba hỗ trợ giải quyết tranh chấp ở cơ sở…
Tại buổi Toạ đàm, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu thực trạng công tác PBGDPL hiện nay còn thiếu việc gắn kết thực tiễn, còn rất ít việc hướng dẫn lồng ghép quy định pháp luật và các tình huống, dẫn chứng minh hoạ cùng những kỹ năng cần thiết về thực hành pháp luật, thực hiện các quyền của người dân và nhóm yếu thế trong xã hội.
Đặc biệt, những người yếu thế thường bị thua thiệt trong những vụ kiện hành chính hay dân sự. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người này là vấn đề cần được quan tâm của nhà nước và toàn xã hội bằng những chính sách, hành động thiết thực nhất.
PGS. TS Lê Thị Thu Hà (Đại học Ngoại Thương) đã khái quát hình thức, cách thức thực hiện PBGDPL của một số quốc gia trên thế giới, qua đó đưa ra đề xuất, kiến nghị như thực hiện PBGDPL theo hướng đa dạng để người dân dễ tiếp cận với pháp luật; chú trọng ưu tiên, dành nguồn lực PBGDPL và hướng tới nhóm đặc thù, yếu thế; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL…
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Toạ đàm còn trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như nhận diện rõ rào cản, thách thức, những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhóm đối tượng yếu thế; đề xuất các giải pháp cần thực hiện nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân và nhóm yếu thế; nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Các bạn đọc cũng có thể
vào đây để xem phóng sự ngắn về buổi tọa đàm do phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện.
Nguồn: baophapluat.vn