Tại cuộc họp, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã báo cáo tiến độ và tình hình xây dựng dự thảo Đề án “Đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Theo đó, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên tại Tọa đàm góp ý dự thảo 1 Đề án vào ngày 15/12/2021, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chỉnh lý dự thảo Đề án.
Các đại biểu đánh giá cao chất lượng dự thảo lần này, đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại Tọa đàm trước đó. 100% các đại biểu đều cho rằng việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong triển khai Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Việc xây dựng và ban hành Đề án nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được nêu trong Kết luận số 80-KL/TW là “Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL”. Các đại biểu cho rằng, việc đo lường hiệu quả công tác PBGDPL là khó, bởi ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ văn hóa, môi trường xã hội, mức độ phát triển kinh tế, chất lượng thể chế... Do đó, để hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, cần tiến hành khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kỹ, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, xác định đây là đề án thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Do vậy, cần báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian trình đề án vào quý 3/2022.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh việc ban hành Đề án đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là hoạt động trọng tâm nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Việc thực hiện Đề án phải đặt nền móng đưa công tác PBGDPL đáp ứng những mục tiêu được đề ra tại Đại hội 13 là: đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Theo đó, cần đổi mới theo hướng từng bước chuyển dịch trách nhiệm PBGDPL của nhà nước sang tự chủ động, tự tìm hiểu pháp luật của người dân để chấp hành. Việc xây dựng Đề án cũng cần gắn với kết quả thi hành pháp luật (bởi PBGDPL là khâu đầu tiên của tổ chức thi hành pháp luật). Trong Đề án phải có những định hướng chính, yêu cầu cơ bản của đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Đề án cần đề ra các nhiệm vụ là thí điểm tại một số bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau đó tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm và ban hành cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để triển khai trên toàn quốc.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật