Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định, yêu cầu về bảo đảmbình đẳng giới không chỉ là việc tổ hòa giải phải có nam – nữ mà còn phải thể hiện trong quá trình hòa giải. Hiện nay, trình độ nhận thức, kỹ năng của hòa giải viên về bình đẳng giới (kiến thức giới, hiểu rõ về bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới…)nhìn chung không đồng đều, còn hạn chế. Để bảo đảm quyền bình đẳng giữa các bên, kết quả hòa giải thành thực sự bền vững, việc trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải cho hòa giải viên là cần thiết. Được sự đồng hành của dự án EU-JULE, Bộ Tư pháp đã triển khai hoạt động này từ năm 2019, gồm mời các chuyên gia trong nước và ngoài nước có kinh nghiệm về hòa giải ở cơ sở, về giới để xây dựng Bộ tài liệu; tổ chức các hội nghị, hội thảo sử dụng Bộ tài liệu. Sau khi tập huấn thí điểm Bộ tài liệu năm 2020, Bộ Tư pháp đã nhận được sự đánh giá cao của các địa phương và phản hồi tích cực từ phía người học về nội dung của Tài liệu cũng như phương pháp tập huấn hiện đại…Để tiếp tục mang hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hữu ích này, Bộ Tư pháp và EU-JULE sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn ở các địa phương trên cả nước nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.
Bà Đào Thị Thu An, Quản lý dự án EU-JULE, UNDP Việt Nam cho rằng, hòa giải ở cơ sở là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phổ biến nhất, trong cộng đồng và được sử dụng rộng rãi trên khắp Việt Nam. Qua kết quả khảo sát năm 2019, cho thấy đa số các hòa giải viên được hỏi ý kiến cho rằng họ chưa hiểu biết đầy đủ về giới và còn hạn chế nhất định trong nhạy cảm giới (đặc biệt là chưa biết cách làm việc với các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em…).Bà Thu An chia sẻ, Chương trình phát triển liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ các đối tác Việt Nam, trong đó có Vụ Phổ biến,giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, trong việc tăng cường tiếp cận công lý và pháp quyền, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã mời 02 chuyên gia giảng dạy có trình độ, uy tín, kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội là TS.Bùi Minh Hồng và TS. Nguyễn Phương Lan. Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm../.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật