Liên kết website

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – lịch sử hình thành và phát triển

03/12/2022

Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định này là chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là một trong những mốc son đáng tự hào của chặng đường hình thành và phát triển của đơn vị suốt mấy chục năm qua. Bài viết này xin được phân tích để thấy rõ hơn ý nghĩa của việc chuyển đổi mô hình này trong bối cảnh hiện nay.

1. Lịch sử hình thành và phát triển của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960
Trong các văn bản (Sắc lệnh, Nghị định, Thông tư) được ban hành giai đoạn này chưa quy định về tổ chức, bộ phận có chức năng làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghị định đầu tiên do Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký ban hành (Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về tổ chức Bộ Tư pháp) chỉ đề cập đến nhiệm vụ giáo dục tù nhân. Tiếp đến năm 1952, Nghị định số 48-NĐ/P2 ngày 10/5/1952 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tổ chức cơ quan Trung ương Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giáo hóa phạm nhân (do Vụ Hành chính tư pháp phụ trách) và phổ biến các tài liệu pháp lý dân chủ mới (do Ban nghiên cứu pháp luật phụ trách). Để tăng cường công tác tư pháp, pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương, Thông tư số 506-TTg ngày 26/10/1957 của Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền và đoàn thể, sở quan để phổ biến cho cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và của Bộ ban hành”.
Sau Hiến pháp năm 1959, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 01/CP ngày 11/2/1960 quy định nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm mục đích giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo pháp luật.
Ngày 15/3/1960, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 06 về tổ chức Bộ Tư pháp, trong đó có Vụ Tuyên giáo và được giao nhiệm vụ [1]: (i) Nghiên cứu chương trình và kế hoạch đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và tư pháp, giúp Bộ chỉ đạo công tác đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp địa phương; (ii) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở các địa phương.
Vụ Tuyên giáo có Phòng Giáo dục và Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật.
 Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1980
Năm 1960, theo Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ thì cơ cấu tổ chức của Hội đồng Chính phủ không có Bộ Tư pháp. Đến năm 1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập Ủy ban pháp chế của Hội đồng Chính phủ (Nghị quyết số 133-NQ/QH/K4 ngày 14/02/1972), Ủy ban Pháp chế phụ trách công tác hành chính tư pháp và các trường đào tạo cán bộ pháp lý, đặt kế hoạch tổ chức nghiên cứu khoa học pháp lý, kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nắm tình hình xây dựng, chấp hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước và nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Nghị định số 190-CP ngày 09/10/1972 của Hội đồng Chính phủ quy định tổ chức bộ máy của Ủy ban Pháp chế có Vụ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật[2].
Theo các tài liệu về lịch sử phát triển ngành, một trong những thành tựu được nhấn mạnh của Ủy ban Pháp chế giai đoạn này là công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Ủy ban Pháp chế đã phối hợp với các cơ quan chủ động tổ chức đợt tuyên truyền về Hiến pháp năm 1959 nhằm nâng cao ý thức pháp chế xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân. Nhân Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên, Ủy ban Pháp chế ban hành Thông tư số 205-TT gửi cơ quan pháp chế các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn tuyên truyền pháp luật và coi đây là công tác trọng tâm. Xuất bản nhiều tập luật lệ có kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành làm cơ sở cho công tác hướng dẫn, tuyên truyền và thi hành pháp luật. Ngày 09/3/1978, Ủy ban Pháp chế ban hành Thông tư số 77/PC-TT hướng dẫn tổ chức pháp chế các ngành và địa phương tham gia vào cuộc vận động thảo luận Dự thảo Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980). Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ngày càng được mở rộng và nâng cao chất lượng, góp phần vào hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đề cập đến nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng về Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, nhân dân. Hội nghị nêu rõ một trong những nhiệm vụ hàng đầu phải làm sau khi Hiến pháp mới được thông qua, đó là:
- Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
- Thường xuyên phổ biến và giải thích pháp luật trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân, thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật.
- Đưa việc học tập Hiến pháp và pháp luật hiện hành của nước ta vào chương trình giảng dạy của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường của Đảng và của các đoàn thể. Sửa đổi và bổ sung vào chương trình giáo dục công dân ở trường phổ thông cho phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới”[3].
Ngày 09/10/1980, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế ra Quyết định số 66-QĐ/UB giao nhiệm vụ cho Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật [4]. Theo đó, Vụ được giao trách nhiệm giúp Ủy ban Pháp chế trong việc:
- Hướng dẫn các ngành và các địa phương về nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Phối hợp hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí, các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Hướng dẫn và giúp đỡ về công tác giảng dạy pháp luật ở các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, ở các trường đảng và đoàn thể nhân dân.
- Chỉ đạo Nhà xuất bản Pháp lý và Tập san “Pháp chế Xã hội chủ nghĩa”.
- Hợp tác với các nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992
Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại, được giao nhiệm vụ của Ủy ban Pháp chế và một phần nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao.
Tại Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, trong 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu giao cho Bộ Tư pháp có nhiệm vụ“hướng dẫn hoặc tổ chức việc phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân viên nhà nước và nhân dân”. Trong tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo Nghị định này có Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật (có Tạp chí của Bộ và Nhà xuất bản Pháp lý)[5].
Sau khi Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành, Ngành Tư pháp đã được Đảng và Nhà nước giao thêm nhiều nhiệm vụ mới (quản lý về mặt tổ chức các tòa án quân sự quân khu và tương đương; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các cấp thực hiện công tác đăng ký hộ tịch; hướng dẫn, kiểm tra tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư; giám định tư pháp…) hoặc có những công việc được giao cụ thể, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân, đưa môn học về pháp luật vào chương trình giảng dạy tại các phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp và các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ quản lý (Chỉ thị số 315/CT ngày 17/12/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật).
Giai đoạn này, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được coi là công tác quan trọng của Ngành Tư pháp, bởi vậy, sau gần một năm tái lập, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào ngày 16-17/7/1982. Hội nghị đã thống nhất về nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bao gồm: (i) Tuyên truyền quan điểm của Nghị quyết Đại hội V của Đảng về tăng cường pháp chế XHCN; (ii) Tiếp tục tuyên truyền Hiến pháp mới kết hợp với tuyên truyền các văn bản pháp luật hiện hành, chú trọng tuyên truyền pháp luật phục vụ nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, củng cố an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ tài sản XHCN, quyền và nghĩa vụ của công dân; (iii) Tuyên truyền kịp thời và sâu rộng các gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật, bảo vệ pháp luật: (iii) Phối hợp với các ngành nhanh chóng xây dựng chương trình chương trình làm thí điểm và mở rộng việc giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, dạy nghề, đại học và trung học chuyên nghiệp, trường Đảng, trường các đoàn thể, trường hành chính, các trường lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải do các ngành, các cấp cùng phối hợp thực hiện, cần phải có kế hoạch kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục pháp luật với xây dựng, kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương, tổ chức pháp luật ở các bộ, ngành[6].
Để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngày 28/7/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 487-TTr đề cập đến những nội dung chính cần làm ngay trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, bao gồm: (i) Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp kết hợp với việc tuyên truyền các văn bản pháp luật hiện hành: Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ, Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại và tố cáo của công dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; (ii) Đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật trên đài, báo địa phương, coi trọng việc tuyên truyền miệng bằng các hình thức thích hợp; (iii) Trong khi chưa có văn bản chính thức về việc thành lập Hội đồng phối hợp tuyên truyền pháp luật ở các cấp, cần xin ý kiến lãnh đạo, kết hợp chặt chẽ với Ban Tuyên huấn, Ban Nội chính tổ chức hội nghị phối hợp tuyên truyền pháp luật ở địa phương; trước mắt phối hợp với các ngành trong khối nội chính, các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí xây dựng chương trình, xác định sự phân công, thực hiện ngay một số việc để rút kinh nghiệm; (iv) Kết hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tỉnh hướng dẫn các Tòa án, Ban Tư pháp huyện, quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, bồi dưỡng hội thẩm nhân dân, các Ban Tư pháp xã, các tổ hòa giải.
Ngay từ thời kỳ này, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở cơ sở xã đã được coi là công tác mũi nhọn của toàn ngành, cả ở Bộ và các Sở Tư pháp địa phương. Bộ đã chọn xã Long Biên thuộc huyện Gia Lâm - Hà Nội, bàn với Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã triển khai một số công việc như: Đưa một nhóm cán bộ của Bộ xuống làm việc thường xuyên tại xã trong một thời gian, hàng ngày tiếp xúc với các đối tượng theo lứa tuổi, theo giới, theo đội hợp tác xã phổ biến các luật lệ về ruộng đất, hôn nhân gia đình, trật tự trị an… Phân công một số cán bộ làm việc với Ủy ban nhân dân về việc xây dựng nội quy, quy định của xã, giúp cho Ủy ban nhân dân biên soạn những nội quy, quy định phù hợp với pháp luật. Việc giúp Ủy ban nhân dân xã Long Biên biên soạn nội quy, quy định, được coi là một bước phổ biến pháp luật cụ thể cho cán bộ xã.
Thời kỳ này, ở nhiều địa phương đã có Sở Tư pháp như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Khánh, Hải Hưng, Cao Bằng... cũng thực hiện kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Bộ. Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được tiếp tục mở rộng và bước đầu đã có những kinh nghiệm tốt cần phổ biến.
Ngày 04/8/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra Quyết định số 102/QĐ-TC quy định nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật[7]. Theo Quyết định này, Vụ có chức năng, nhiệm vụ:
- Nghiên cứu và hướng dẫn các Vụ Pháp chế, các Sở Tư pháp nghiệp vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
- Phối hợp hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí, các cơ quan Đảng và Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật;
- Hướng dẫn và giúp đỡ về công tác giảng dạy pháp luật ở các trường phổ thông, trường dạy nghề;
- Chỉ đạo Tập san Pháp chế XHCN;
- Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật mà Bộ giao cho.
Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật có 04 Tổ: Tổ Tổng hợp và biên soạn; Tổ thông tin đại chúng; Tổ Hướng dẫn công tác tuyên truyền; Tổ Giáo dục pháp luật.
Ngày 29/11/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chỉ thị số 826-CT-TT về việc tiến hành đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhân dịp 02 năm ban hành Hiến pháp mới. Chỉ thị nêu rõ mục đích: “… Nâng cao thêm một bước sự hiểu biết về vai trò của Hiến pháp mới đối với giai đoạn cách mạng hiện nay; … Tiếp tục đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong cán bộ và nhân dân theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Hình thức để thực hiện việc tuyên truyền này là nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, hội thảo, mở những phiên tòa điển hình.
Ngày 04/3/1988, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng họp với lãnh đạo Bộ Tư pháp về vấn đề đổi mới tổ chức Ngành Tư pháp. Tại cuộc họp đã quyết định về tổ chức của Ngành Tư pháp, trong đó Vụ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật sáp nhập với Văn phòng Bộ[8].
Giai đoạn từ năm 1993 đến nay
Ngày 04/6/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 38-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tư pháp. Trong cơ cấu tổ chức Bộ Tư pháp, có Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật[9]. Bộ Tư pháp được giao thêm 20 nhiệm vụ mới, công tác PBGDPL có 02 nhiệm vụ bao gồm: (i) Làm đầu mối phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo hướng dẫn việc phát hành Bản tin Tư pháp ở các địa phương (Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật); (ii) Chủ trì công tác xây dựng tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Từ thời điểm đó đến năm 2012, chức năng quản lý về PBGDPL được điều chỉnh chủ yếu bởi các Chỉ thị, Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch PBGDPL (Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998, Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998, Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003, Quyết định số 212/2004/ ngày 16/12/2004, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg)…
Đến năm 2013, chức năng quản lý về PBGDPL đã được điều chỉnh bởi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng. Theo đó, Bộ Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước thống nhất về chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; thống kê, tổng kết; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong PBGDPL; hợp tác quốc tế về PBGDPL. Gần đây, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới công tác PBGDPL trong tình hình mới theo yêu cầu của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu pháp luật phục vụ kịp thời, nhanh chóng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động giải đáp pháp luật; tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội; thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn được giao chức năng quản lý hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và nay là Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Thực hiện quản lý về hòa giải ở cơ sở, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, quy định biểu, mẫu thống kê về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Từ năm 2014, Bộ Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 và nay là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này trong phạm vi cả nước, thực hiện theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo xử lý vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; xây dựng, quản lý, vận hành phần mềm đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sơ kết, tổng kết thực tiễn.
Ngày 23/5/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1159/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, chức năng của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật là tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định đã quy định rõ 20 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật có 03 Phòng chuyên môn: Phòng Quản lý công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở; Phòng Quản lý công tác tiếp cận pháp luật và tổng hợp.
2. Ý nghĩa của việc chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Hiện nay, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm về tổ chức thi hành pháp luật trong đó PBGDPL là khâu đầu tiên của công tác này. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra định hướng và nhiệm vụ trọng tâm“hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật”; “tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp luật. Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “phải gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật...”.
Nghị quyết số 27 –NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định mục tiêu “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững là “tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”.
Trước đó, tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003, Ban Bí thư đã có Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 tiếp tục khẳng định PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để khắc phục hạn chế, đổi mới, triển khai công tác PBGDPL“toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở”, “kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”, “đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”..., Ban Bí thư yêu cầu phải“đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan“rà soát các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của đơn vị tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đổi mới tổ chức, hoạt động của đơn vị theo hướng độc lập, chuyên trách, hoạt động linh hoạt, hiệu quả”. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu“đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác PBGDPL…” (Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 12/12/2020); “chú trọng công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật, các văn bản pháp luật mới để người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện…” (Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 01/6/2021). Tại Hội nghị toàn quốc công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ “việc tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật còn yếu; phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do đâu, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi”, “trong tổ chức thi hành pháp luật phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp…”.
Để thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước, với tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong tình hình mới, cần quan tâm, đầu tư tương xứng để Bộ Tư pháp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó quy định chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục xuất phát từ nội dung, tính chất và nhu cầu thực tiễn của các lĩnh vực quản lý của các công tác này. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong PBGDPL, hòa giải cơ sở, công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật:
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước, tăng cường tổ chức thi hành pháp luật, các lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng. Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức hiện nay thì Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chưa ngang tầm cả về tổ chức và vị thế so với chức năng, nhiệm vụ. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động từ Vụ thành Cục sẽ góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, đáp ứng yêu cầu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo đối với các lĩnh vực này xuống tận cơ sở. Với mô hình Cục, việc triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn sẽ bảo đảm tính chủ động, linh hoạt và kịp thời.
Bên cạnh đó, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật được giao tham mưu, triển khai nhiều nhiệm vụ, hoạt động cụ thể về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Để thực hiện, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phải trình Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết, xử lý nhiều hồ sơ, văn bản liên quan. Sau khi chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục có thể xem xét, phân cấp cho Cục xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản và trực tiếp trực tiếp triển khai các hoạt động cụ thể. Điều này cũng phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước, tạo sự linh hoạt, nhanh nhạy trong hoạt động quản lý của đơn vị.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả, thiết thực việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông, thông tin chinh sách, pháp luật:
Hiện nay, trong xu hướng của thời đại về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động về truyền thông chính sách, pháp luật phải dần được chuyển đổi cách thức tổ chức thực hiện trên nền tảng công nghệ số theo lộ trình phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong tương lai, thông tin pháp luật cơ bản sẽ được số hóa và chia sẻ rộng rãi trên môi trường internet. Chính vì vậy, việc quản lý nhà nước và triển khai các nghiệp vụ công tác này cũng sẽ có những thay đổi một cách căn bản. Hiện nay, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đang xây dựng Cổng PBGDPL quốc gia-địa chỉ dùng chung của tất cả các bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác truyền thông, thông tin và giáo dục pháp luật. Để có thể quản lý, vận hành được công cụ này đòi hỏi cơ quan được giao nhiệm vụ hiện nay là Vụ PBGDPL phải có mô hình, cơ chế hoạt động phù hợp đủ khả năng, năng lực xử lý, phản ứng với mọi công việc, tình huống liên quan đến hoạt động trên từ con người, kỹ thuật chuyên môn đến tài chính…
Thứ ba, thực tiễn hóa có hiệu quả chính sách xã hội hóa trong truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật:
Xu hướng xã hội hóa công tác truyền thông chính sách, thông tin pháp luật là một tất yếu khách quan. Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng với sự tham gia đồng hành của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là vấn đề xây dựng và truyền thông chính sách, pháp luật quan trọng, tác động rộng lớn đến xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chính sách này đang được triển khai một cách cầm chừng, chưa có cơ chế phù hợp. Khi có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản thì Cục PBGDPL sẽ chủ trì thực hiện chính sách trên một cách linh hoạt, nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng, phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Nghị định số 98/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo cơ cấu tổ chức khoa học, phù hợp, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả tương xứng với yêu cầu đặt ra trong công tác về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật  thời gian tới./.
                                         Nguyễn Thị Thạo – Nguyễn Thị Tâm
                                                   Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr150,151
[2] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr159
[3] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr196
[4] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr196
[5] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp (Tập 1).Tr210
[6] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr228
[7] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr234
[8] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr297
[9] Biên niên lịch sử Bộ Tư pháp Việt Nam (Tập 1).Tr355
Các tin đã đưa ngày: