Liên kết website

Nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương

22/12/2022

Công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới.

Sáng 22/12, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), để tiếp tục triển khai thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm khả thi, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở và yêu cầu mới về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới toàn diện công tác PBGDPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng là công tác quan trọng.

Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được xác định là công cụ có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm và thực hiện các quyền, lợi ích của người trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh tại cơ sở.

Cùng với đó, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cũng như chuẩn đô thị văn minh, các tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật còn được bổ sung vào nội dung thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn đô thị văn minh; được bổ sung là tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn để hướng dẫn về nghiệp vụ đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các văn bản mới về chuẩn tiếp cận pháp luật trên thực tế của một số địa phương còn một số khó khăn, lúng túng.

Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật để góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của người dân và xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh tại cơ sở.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của cấp xã, trước hết là các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ được giao gắn với từng tiêu chí, chỉ tiêu cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tập trung vào kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng văn bản, cung cấp thông tin, tiếp công dân, hòa giải ở cơ sở, PBGDPL…

Xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất, hiệu quả
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Phan Thị Hồng Thắng nêu rõ công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội, trong đó có xây dựng nông thôn mới. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng tham mưu UBND tỉnh có những biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đã đạt được nhưng kết quả rất tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Sở Tư pháp Đắk Lắk sẽ tiếp tục thông tin, truyền thông bằng hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, vị thế của công tác này trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất đưa kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thành một tiêu chí đánh giá kết quả xếp loại thi đua hằng năm của đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương…

Để nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang, cần tiếp tục thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là UBND cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã và nhân dân về vị trí, vai trò, nội dung của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật theo quyết định Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đúng quy định, góp phần bảo đảm thực hiện quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công chức được giao tham mưu, theo dõi thực hiện đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật...

Nhiều đại biểu cho rằng, chuẩn nông thôn mới nâng cao phải thực chất thì chuẩn tiếp cận pháp luật của xã đó cũng phải đi vào thực chất.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Các tin đã đưa ngày: