PBGDPL lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Theo Bộ Tư pháp, Đề án được ban hành trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành. Theo tinh thần trên, tổ chức thi hành pháp luật đang đứng trước những yêu cầu cấp bách của sự đổi mới và trở thành một nội dung trọng tâm trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với vai trò là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, yêu cầu tính thực chất, hiệu quả.
Việc ban hành Đề án đã khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo các quy định của Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDP, đồng thời đáp ứng yêu cầu về việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, huy động sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; công tác PBGDPL cần được thực hiện xuyên suốt, gắn kết chặt chẽ trong toàn bộ quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường tiếp cận thông tin pháp luật, dân chủ ở cơ sở... Do đó việc ban hành và thực hiện Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở đó Đề án xác định 03 mục tiêu cụ thể và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện để bảo đảm Đề án triển khai theo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực
Đề án đã xác định hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL có sự đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng các tiêu chí đánh giá. Theo đó, Khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL sẽ gồm tiêu chí chung do Bộ Tư pháp xây dựng, áp dụng cho tất cả các bộ, ngành, địa phương và tiêu chí riêng do các bộ, ngành, địa phương tự xây dựng phù hợp với mục tiêu, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, điều kiện của cơ quan, đơn vị mình.
Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá cần bảo đảm kết hợp giữa hiệu quả việc thực hiện quản lý nhà nước, PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương và sự tác động của công tác PBGDPL đối với chuyển biến về nhận thức, hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng được PBGDPL. Đồng thời, có sự kết nối với các bộ tiêu chí, chỉ số khác có nội dung liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực trong đánh giá.
Đổi mới về chủ thể đánh giá, trong đó tập trung vào tham gia của đối tượng thụ hưởng công tác PBGDPL (người dân, tổ chức, doanh nghiệp) để bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Việc đánh giá thực hiện trên cơ sở so sánh, đo lường giữa mục tiêu, yêu cầu của công tác PBGDPL, nguồn lực đầu tư với kết quả đạt được trên thực tế.
Để tổ chức thực hiện tốt Đề án này, bên cạnh các yêu cầu chung như bám sát các định hướng nhiệm vụ, giải pháp triển khai theo các Đề án; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; bố trí nguồn lực riêng để triển khai tổng thể, toàn diện từ trung ương đến tận cấp cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật …thì Bộ Tư pháp cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan cần tổ chức thực hiện và hoàn thành việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 3 bộ ngành (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc) và 06 địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng).
Đồng thời, xây dựng Bộ tiêu chí khung áp dụng đánh giá cho từng hoạt động PBGDPL cụ thể gắn với đối tượng, lĩnh vực, vấn đề, thời gian, không gian cụ thể; bảo đảm kết hợp giữa đánh giá hiệu quả việc thực hiện quản lý nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, địa phương và đánh giá sự tác động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với chuyển biến về nhận thức, hành vi tuân theo pháp luật của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam