Liên kết website

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, triển khai toàn diện tại Bộ Công Thương

27/02/2023

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được Bộ Công Thương chú trọng triển khai, đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương và Nhân dân.

1. Bộ Công Thương đã triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, kịp thời cụ thể hóa các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và hiệu quả thi hành pháp luật ngành Công Thương; Kế hoạch PBGDPL hằng năm, Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị trực thuộc, các địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.
 
2. Hằng năm, Bộ Công Thương đã xác định nội dung PBGDPL trọng tâm gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước của ngành. Nhiều hình thức PBGDPL đã được triển khai, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện thực tế như: Đăng tải thông tin pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ; tập huấn quy định của pháp luật Việt Nam và nội dung chủ yếu của một số Hiệp định có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành cho công chức trong ngành và doanh nghiệp; hỗ trợ giải đáp vướng mắc liên quan đến pháp luật chuyên ngành qua văn bản, thư điện tử và đặc biệt là qua đường dây nóng. Bộ đã chú trọng truyền thông chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có những tin, bài bằng tiếng Anh về các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm (bảo vệ môi trường…).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL được thực hiện thông qua việc xây dựng và duy trì Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Trang thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường, Trang thông tin pháp luật Công Thương và Trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Trong đó có các chuyên mục đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, các bài viết thuộc lĩnh vực chuyên môn.
3. Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, huy động được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Công Thương với nhiều hình thức đa dạng. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Quyết định ban hành Kế hoạch hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Qua đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã phát động nhiều chương trình, chủ đề… để hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với việc triển khai các nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong các tháng cao điểm triển khai hưởng ứng thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, ngoài việc thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật theo Kế hoạch, trụ sở cơ quan Bộ và các đơn vị trong Bộ đã treo các khẩu hiệu tuyên truyền ý thức thượng tôn pháp luật để công chức, viên chức và người lao động biết, thực hiện. Trong những năm gần đây, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi thư chúc mừng và biểu dương những thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Công Thương.

Ngoài ra, ngày 09 tháng 11 hàng năm, Bộ Công Thương đều tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong cơ quan Bộ Công Thương. Theo đó, Ngày Pháp luật đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng; được thực hiện đồng bộ, thống nhất, huy động được sự tham gia, phối hợp, sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Công Thương; góp phần quan trọng trong chuyển biến ý thức tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, nâng cao văn hóa pháp lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng.
4. Đối với việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (ban hành kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án trong toàn ngành. Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, đều đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân; đồng thời có văn bản gửi các Bộ ngành, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức các hội nghị, tọa đàm để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến chính sách để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị phục vụ quá trình xây dựng chính sách.
 
5. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù luôn được Bộ Công Thương chú trọng và quan tâm, đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, các đơn vị nơi địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện, có chính sách phát triển và đào tạo các công chức làm việc tại các địa bàn có người dân tộc thiểu số, qua đó, các công chức hiểu và sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số, nhằm xây dựng đội ngũ có thể thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới cộng đồng người dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc trên địa bàn. Để đáp ứng nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình dân cư và vị trí địa lý tại địa bàn đặc thù có người dân tộc thiểu số sinh sống, một số Cục Quản lý thị trường các tỉnh như Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Trị.... đã chú trọng cử công chức tham gia học tiếng dân tộc thiểu số. Theo khả năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số và năng lực, kinh nghiệm của công chức, các đơn vị đã có sử dụng công chức vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó, xây dựng được một số công chức nhất định thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật tới cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn, giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tiếp cận và hiểu biết hơn về chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tại vùng dân tộc thiểu số tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho công chức để PBGDPL cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

6. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ được chú trọng. Căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và chương trình giảng dạy chính trị pháp luật đối với học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, vào đầu năm học, sinh viên mới nhập trường đều được nhà trường tuyên truyền, phổ biến pháp luật “tuần sinh hoạt công dân” trước khi vào học tập chính thức. Hàng năm đội ngũ giảng viên giảng dạy chính trị pháp luật đều được bồi dưỡng, cập nhật các văn bản mới về chính sách pháp luật của nhà nước để chủ động đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên… Ngoài ra, nhiều trường đã có sự áp dụng đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục đa dạng như tuyên truyền qua website, trang thông tin nội bộ, kênh truyền hình nội bộ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, mời chuyên gia và phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật vào việc phổ biến pháp luật, trong đó có hình thức phổ biến qua fanpage trên mạng xã hội và kênh truyền hình,… và đã đạt được kết quả phổ biến pháp luật tới 100% sinh viên nhà trường.

Những kết quả tích cực trên đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ các quy định cũng như tuân thủ quy định trong hoạt động sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã làm chuyển biến đáng kể nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Thông qua tuyên truyền, phổ biến giáo dục đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân chủ động cập nhật thông tin, có xử lý đúng pháp luật trong hoạt động kinh tế. Như vậy, công tác PBGDPL của Bộ Công Thương đã đóng góp vào kết quả chung của công tác đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước./.
 Nguyễn Kim Thoa
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: