Phiên họp được tổ chức vào 14h00 ngày 16/3/2023 (thứ Năm) tại Phòng họp Văn phòng Chính phủ.
Phiên họp do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng trung ương chủ trì, với sự tham dự của các Thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương; các Thành viên Tổ thư ký của Hội đồng và đại diện một số cơ quan báo chí dự, ghi hình, đưa tin.
Chương trình Phiên họp như sau:
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
- Công bố Quyết định của Chủ tịch Hội đồng kiện toàn Danh sách thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương
- Phát biểu khai mạc Phiên họp của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng
- Trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng năm 2023
- Tham luận, thảo luận của các Thành viên Hội đồng
- Phát biểu kết luận Phiên họp của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng.
Đánh giá chung về kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL năm 2022
Trong năm 2022, sau khi kiện toàn về tổ chức theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, Hội đồng các cấp tổ chức hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên hơn. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trung ương theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Thông báo kết luận số 45/TB-VPCP của Chủ tịch Hội đồng trung ương đã được các thành viên chủ động tổ chức thực hiện. Các Thành viên Hội đồng đã trách nhiệm, chủ động hơn trong tham gia các hoạt động của Hội đồng (tham gia Phiên họp, cho ý kiến về dự thảo văn bản, tham gia Đoàn kiểm tra của Hội đồng…). Bộ Tư pháp, Cơ quan Thường trực Hội đồng trung ương đã phát huy rõ hơn vai trò làm đầu mối nắm bắt thông tin, gắn kết, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương. Tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, trong đó điểm nhấn là Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật góp phần khẳng định, tôn vinh các giá trị, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Các hoạt động kiểm tra của Hội đồng trung ương được chủ động thực hiện, có sự tham gia của nhiều đồng chí thành viên Hội đồng trung ương. Một số đồng chí thành viên Hội đồng đã tích cực tham gia hoạt động của Hội đồng. Thông qua hoạt động kiểm tra của Hội đồng trung ương, các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra đã có sự chuyển biến trong nhận thức và đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đến công tác PBGDPL. Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng năm 2023
Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó khẳng định quan điểm: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Thực hiện mục tiêu, quan điểm này, Nghị quyết số 27-NQ-TW xác định nhiệm vụ: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp tục đổi mới công tác PBGDPL.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong năm 2023, Hội đồng trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng trong chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL; tăng cường hoạt động phối hợp giữa Cơ quan thường trực Hội đồng trung ương với các thành viên Hội đồng. Tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là cho đối tượng đặc thù, yếu thế, trong đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL; có giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia, đóng góp vào công tác PBGDPL.
Hai là, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2023 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là các dự thảo luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các bộ, ngành cần chủ động ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách do bộ, ngành mình chủ trì soạn thảo.
Ba là, chỉ đạo thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 gắn với việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, chú trọng các hoạt động hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Hội thi là sự kiện điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 nhằm thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Đề án và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi thí điểm của Đề án 979 về “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”, đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án 977 về “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Năm là, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khảo sát, kiểm tra thực trạng công tác này. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; chỉ đạo cập nhật thông tin trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí trong PBGDPL.
Sáu là, tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương tại các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc; nâng cao vai trò chủ động tham mưu, phát hiện các vấn đề trong công tác PBGDPL của Bộ Tư pháp, Cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương