Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc nêu rõ: Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác PBGDPL với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật.
Trước đó, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027”. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Điều đó cho thấy truyền thông dự thảo chính sách nói chung và truyền thông dự thảo chính sách pháp luật nói riêng, đặc biệt là các chính sách có tác động lớn đến xã hội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
“Mục đích cuối cùng và cao nhất đó là đảm bảo cho các chính sách được soạn thảo mang tính thực chất, mang trí tuệ của xã hội, mang hơi thở cuộc sống, đảm bảo khả thi, bền vững, góp phần thiết thực ổn định phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh”, ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cho biết, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện Đề án 407, trong đó có nội dung về xây dựng, củng cố đội ngũ người làm công tác truyền thông chính sách pháp luật thông qua bồi dưỡng, tập huấn. Một trong những công cụ thiết yếu đó là bộ tài liệu hướng dẫn các kỹ năng cần thiết. Đây không phải vấn đề mới nhưng thực tế chưa được chú trọng thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và các chuyên gia để việc xây dựng bộ tài liệu đảm bảo chính xác, toàn diện, hiệu quả.
Giới thiệu nội dung bộ tài liệu, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết: Bộ Tài liệu hướng dẫn gồm 3 phần. Phần 1 là những vấn đề chung về truyền thông dự thảo chính sách, phần 2 là kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách và phần 3 là Phụ lục tài liệu.
Tài liệu hướng dẫn có 11 kỹ năng quan trọng bao gồm: Kỹ năng xây dựng kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách; Kỹ năng xác định chính sách, nội dung chính sách cần truyền thông trong quá trình xây dựng VBQPPL. Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách. Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Kỹ năng tổ chức diễn đàn, đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL. Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở thông qua loại hình văn hóa thông tin cơ sở. Kỹ năng tích hợp, chia sẻ, đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách và những vấn đề liên quan trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, các phần mềm về PBGDPL. Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho một số đối tượng đặc thù. Kỹ năng góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách. Quản trị an ninh thông tin trong truyền thông chính sách, pháp luật.
Thật sự mang tính “cầm tay chỉ việc”
Góp ý tại Hội thảo, TS. Trần Kim Liễu, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, ĐH Luật Hà Nội đánh giá bộ tài liệu khá chi tiết, dễ hiểu, mang tính “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, bà Liễu đề nghị cần làm rõ khái niệm “chính sách có tác động lớn đến xã hội”, nghiên cứu bổ sung các công cụ hỗ trợ công tác này (bao gồm nhân sự, kỹ thuật, nguồn kinh phí) đồng thời góp ý cụ thể về cách sắp xếp các kỹ năng trong bộ tài liệu.
Còn TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa của công tác truyền thông chính sách đó là: bảo đảm quyền của người dân trong việc tham gia hoạch định chính sách, gia tăng hàm lượng chất xám của chính sách, tăng tính khả thi, tạo đồng thuận xã hội... Từ đó để người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác này.
TS. Lương Ngọc Vĩnh đề nghị cần làm rõ công tác truyền thông chính sách nằm ở đâu trong chu trình xây dựng chính sách; xác định rõ quy trình truyền thông; nghiên cứu bổ sung hệ thống khái niệm, rõ ràng, đặc biệt là khái niệm “chính sách”, “truyền thông”, cần phân biệt rõ với tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật. Vì thời gian truyền thông chính sách pháp luật diễn ra trong thời gian ngắn nên theo TS.Vĩnh cần nghiên cứu sử dụng loại hình kỹ năng đơn giản, tiết kiệm để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận, góp ý.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh tới các tiêu chí đã được xác định tại Đề án 407. Theo đó, truyền thông chính sách áp dụng đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở đó, tài liệu hướng dẫn cần bám sát các tiêu chí để xây dựng các kỹ năng cho phù hợp.
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, trong đó chủ yếu đề nghị rà soát lại cấu trúc tài liệu để tránh trùng lặp, làm rõ các khái niệm, xác định nguyên tắc, quy trình thực hiện truyền thông, hoàn thiện nội dung các kỹ năng đảm bảo ngắn gọn, sâu sắc, thật sự mang tính “cầm tay chỉ việc”...
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam