Liên kết website

Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

28/04/2023

Ngày 28/4, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra Tọa đàm trao đổi về công tác phổ biến, giáo dục phát luật trong nhà trường và việc triển khai truyền thông dự thảo chính sách pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-HĐPH ngày 15/3/2023 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Hội đồng) phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2023; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” (Đề án), sáng ngày 28/4/2023, Đoàn công tác của Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng do đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng làm Trưởng đoàn và một số thành viên Tổ Thư ký là lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường và việc triển khai truyền thông dự thảo chính sách pháp luật năm 2022, quý I năm 2023.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh công tác PBGDPL được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; đồng thời yêu cầu đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân. Với khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên đang học trong nhà trườn, ông Nguyên chia sẻ, giáo dục pháp luật trong trường học là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, trọng tâm trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
 
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Mai Thị Anh cho biết, Bộ GD&ĐT rất quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác PBGDPL trong nhà trường. Bộ đã ban hành Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch về PBGDPL năm 2023 của ngành Giáo dục, trong đó đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn ngành phải bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2023.

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đã áp dụng hình thức, mô hình PBGDPL sáng tạo, hiệu quả như: Mô hình "Cổng trường học an toàn giao thông", mô hình “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên”, mô hình các câu lạc bộ PBGDPL dành cho học sinh theo từng cấp học, mô hình giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh gắn với phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo, mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”, hình thức phổ biến pháp luật thông qua hội thi,…
  
Về công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch riêng về truyền thông giáo dục đào tạo năm 2023 (Kế hoạch số 114/KH-BGDĐT ngày 08/02/2023). Ngoài kế hoạch truyền thông chung hằng năm, Bộ GD&ĐT còn ban hành kế hoạch riêng về công tác truyền thông chính sách theo từng lĩnh vực cụ thể căn cứ vào tính chất, yêu cầu, tầm quan trọng của chính sách cần truyền thông (Kế hoạch số 661/KH-BGDĐT ngày 15/06/2022 về tăng cường truyền thông về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non). Năm 2023, Bộ GD&ĐT không có văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải lập đề nghị xây dựng văn bản trước khi tiến hành soạn thảo[1], vì vậy Bộ tập trung chủ yếu vào việc thực hiện truyền thông dự thảo VBQPPL quan trọng của ngành căn cứ nội dung dự thảo chính sách hoặc dự thảo quy định, yêu cầu và điều kiện thực tiễn như: Dự thảo Nghị định (Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, một số địa phương, cơ sở giáo dục còn tâm lý chờ hướng dẫn của cấp trên, chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng các mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế. Đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân còn thiếu so với yêu cầu. Kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn hạn chế nên nhiều hoạt động PBGDPL chưa được tổ chức thường xuyên, chủ yếu lồng ghép chung trong hoạt động chuyên môn và hoạt động của các tổ chức đoàn thể, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi về nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả trong nhà trường; kinh nghiệm, giải pháp để bố trí kinh phí dành cho công tác PBGDPL ở bộ, ngành. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đề xuất cần định kỳ bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, kỹ năng PBGDPL, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trong ngành Giáo dục; giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật; giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương trong các trường đại học không chuyên luật; định kỳ tổ chức tọa đàm, trao đổi giữa những người làm công tác PBGDPL của các bộ, ngành; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án về nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường…

Kết luận Tọa đàm, đồng chí Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng đề nghị Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham mưu nhân rộng các mô hình, hình thức PBGDPL có hiệu quả trong ngành giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với Vụ PBGDPL, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác PBGDPL trong nhà trường theo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2023 để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án về nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường; phối hợp cho ý kiến, thẩm định chương trình, tài liệu PBGDPL trong nhà trường. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW: “Đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân”; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật./.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật


[1] Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ GDĐT thực hiện truyền thông và kết hợp lấy ý kiến góp ý đối với 2 dự thảo Nghị định (Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ).
Các tin đã đưa ngày: