Liên kết website

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc

29/05/2023

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức, nhằm truyền thông, lan tỏa mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, phổ biến kiến thức pháp luật, vinh danh đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đây là lần thứ tư, Hội thi Hòa giải viên giỏi được tổ chức. Trước đó, Bộ Tư pháp đã ba lần tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc: Lần thứ nhất năm 2000, lần thứ hai năm 2005 và lần thứ ba năm 2016.

Để tiếp tục phát huy kết quả các Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc, ngày 24/5/2023, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-HĐPH về Kế hoạch tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Theo Kế hoạch, đối tượng tham dự thi phải là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, đã đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi của địa phương hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu của địa phương được lựa chọn đại diện cho địa phương mình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 01 đội thi gồm 03 thành viên chính thức, 01 thành viên dự bị, trong đó 01 người làm đội trưởng. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 05 người tham gia các vai phụ.

Về hình thức thi: Thi tập thể theo đội dưới hình thức sân khấu hóa. Mỗi đội thi tham gia 03 phần thi, gồm: (i) Phần thi giới thiệu: Đội thi giới thiệu về các thành viên; đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè...); (ii) Phần thi lý thuyết: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 01 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức Hội thi đặt ra; (iii) Phần thi tiểu phẩm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu khác phù hợp về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực.

Hội thi được tổ chức thành 02 vòng thi, gồm: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc. Trong đó, Vòng thi khu vực được tổ chức tại 03 khu vực, cụ thể: (i) Khu vực miền Bắc gồm 25 đội thi của các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình trở lên phía Bắc. Địa điểm tổ chức thi tại thành phố Hải Phòng; (ii) Khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm 18 đội thi của các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Lâm Đồng. Địa điểm tổ chức thi tại tỉnh Khánh Hòa; (iii) Khu vực miền Nam gồm 20 đội thi của các tỉnh, thành phố từ Bình Thuận trở vào phía Nam. Địa điểm tổ chức thi tại tỉnh Tây Ninh. Vòng thi khu vực được tổ chức trong tháng 09/2023.

Vòng thi toàn quốc: Gồm 15 đội do Ban Tổ chức Hội thi lựa chọn các đội đạt giải cao tại Vòng thi khu vực. Địa điểm tổ chức Vòng thi toàn quốc tại Thành phố Hà Nội. Thời gian tổ chức vào khoảng cuối tháng 10/2023 là sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Nội dung thi: (i) Các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên; (ii) Pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (iii) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; (iv) Quy định pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, như: dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Để Hội thi được tổ chức hiệu quả, thiết thực, Kế hoạch đã quy định rõ nội dung công việc, trách nhiệm thực hiện, tiến độ triển khai, sản phẩm cụ thể của từng nội dung công việc và nguồn kinh phí bảo đảm./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: