Đề án được ban hành với mục tiêu chung là: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương ở trong nước và thế giới; nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình từ trung ương đến địa phương; triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình; đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình; nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.
Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân...
Ngoài ra, Đề án đặt mục tiêu phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...); từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước; phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động bảo đảm giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án nêu rõ 05 nhóm nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chương trình, gồm:
- Một là, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
- Hai là, xây dựng Cổng thông tin thành phần Chương trình. Đây là hệ thống quản lý toàn bộ nội dung liên quan đến các thông tin quản lý chung (nội dung Chương trình, địa bàn triển khai, hệ thống các cơ quan quản lý, chỉ đạo, thực hiện Chương trình...), thông tin người sử dụng. Các Trang thông tin tuyên truyền Chương trình tại các tỉnh, thành phố tích hợp với Cổng thông tin của Chương trình để khai thác, đồng bộ dữ liệu về các văn bản, chính sách, hoạt động, báo cáo kết quả... từ Cổng thông tin về các trang thông tin. Việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu sẽ được thực hiện qua LGSP của đơn vị và nền tảng NDXP. Khi LGSP của đơn vị sử dụng cặp khóa (consumer_key và secret_key) do NDXP cung cấp, gửi yêu cầu lấy token để truy cập các dịch vụ do NDXP cung cấp. NDXP trả lại dữ liệu đã tổng hợp được từ HTTT trả về dữ liệu cho LGSP để lại dữ liệu cần khai thác cho Các Trang thông tin.
- Ba là, xây dựng Hệ thống họp trực tuyến. Đầu tư, nâng cấp hoặc thuê dịch vụ Hệ thống họp trực tuyến toàn quốc phục vụ Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia; Đường truyền chuyên biệt phục vụ Hệ thống điều hành, hệ thống thông tin phục vụ Chương trình. Triển khai đầu tư thiết bị điều khiển đa điểm (MCU) và Phòng họp trung tâm tại cơ quan chủ trì Chương trình (Ủy ban Dân tộc); cơ quan thường trực Chương trình cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ đầu tư/nâng cấp/tích hợp thiết bị đầu cuối và phòng họp tại địa phương đáp ứng chuẩn kết nối theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
- Bốn là, xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu chuyên gia phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ triển khai các Dự án, Tiểu dự án, nội dung, hoạt động của Chương trình.
- Năm là, tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số và quản lý Hệ thống thông tin Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao kỹ năng của cán bộ quản lý Chương trình các cấp trong ứng dụng CNTT và Chuyển đổi số các hoạt động của Chương trình.
Bên cạnh đó, Đề án nêu rõ 07 nhóm giải pháp, gồm:
(i) Chuyển đổi nhận thức. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai Chương trình và người dân;
(ii) Kiến tạo thể chế, gồm: Thiết kế, xây dựng kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng và CSDL số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá Chương trình, làm nền tảng lõi cho việc tích hợp các hệ thống thông tin đã và đang triển khai; xác định chuẩn hóa quy trình quản lý; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách;
(iii) Phát triển nguồn nhân lực;
(iv) Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số;
(v) Xây dựng các hạng mục hạ tầng CNTT và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì;
(vi) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
(vii) Huy động nguồn lực triển khai Đề án.
Ngoài ra, Đề án cũng xác định rõ phương án triển khai các nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và tiến độ thực hiện./.
Nguyễn Thị Giang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật